Ẩm thực

Bánh chưng, bánh giầy An Lạc "bay xa"

TIẾN MẠNH 20/04/2024 06:00

Phường An Lạc (Chí Linh) nổi tiếng với nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Hải Dương. Không chỉ được gắn sao OCOP, bánh chưng, bánh giầy nơi đây giờ đã "cất cánh bay xa", có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.


Hợp tác sản xuất

Các tổ viên Tổ hợp tác Sản xuất bánh giầy phường An Lạc làm bánh giầy phục vụ khách hàng thắp hương mùng 1 tháng 3
Các tổ viên Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy phường An Lạc làm bánh giầy phục vụ khách hàng thắp hương dịp mùng 1 tháng 3 âm lịch

Sáng sớm mùng 1 tháng 3 âm lịch, khắp khu dân cư Đại, phường An Lạc thơm nức mùi xôi. Tại nhà chị Nguyễn Thị Sen, các chị cùng nhau giã bánh giầy trong tiếng nói cười hân hoan. Xôi sau khi giã nhuyễn được các chị vê tròn theo khuôn đĩa, đóng gói, dán tem rồi gửi cho khách đặt. Toàn bộ quy trình làm bánh được con gái chị Sen livetream trên Facebook. "Từ ngày hợp tác sản xuất, việc làm bánh diễn ra vừa nhanh, bánh lại ngon, đẹp mắt hơn do huy động được nhiều sáng kiến của chị em. Mạng xã hội giúp chúng tôi quảng bá và đưa thương hiệu bánh giầy An Lạc đến được nhiều tỉnh, thành phố khác", chị Sen thông tin.

img_7623(1).jpg
Bánh giầy An Lạc dẻo thơm nức tiếng, được khách hàng nhiều nơi đặt mua

Chị Trần Thị Chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy phường An Lạc đến các gia đình tổ viên đang sản xuất bánh giầy để kiểm tra, động viên. Chị nhắc nhở chị em làm bánh phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ của khách hàng, uy tín của địa phương và nghề truyền thống mà người dân bao đời nay đã cất công gìn giữ.

Tại gia đình anh Cao Văn Thái, Chủ tịch Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất bánh chưng phường An Lạc, các tổ viên cũng đang chung tay gói bánh để kịp thời cung cấp theo đơn đặt của khách. Những chiếc bánh chưng vuông vức sau khi đem luộc, để nguội được đóng gói, hút chân không, dán tem rồi gửi cho khách hàng. Bánh chưng An Lạc sau khi luộc vẫn giữ được màu xanh bên ngoài, chất lượng được cải tiến hơn so với trước, được nhiều chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hải Dương đặt hàng thường xuyên.

img_0128(1).jpg
Người dân khu Bờ Đa, phường An Lạc hợp tác gói bánh chưng

Từ hợp tác làm bánh, Tổ Hợp tác sản xuất bánh chưng phường An Lạc đã huy động được trí tuệ tập thể, nhất là kỹ thuật gói bánh đẹp hơn, cách chế biến nhân bánh ngon, phù hợp với thị hiếu của khách hàng hơn. Các tổ viên đã nghiên cứu, pha trộn thêm một loại nước tương, nước mơ ngâm lâu năm vào gạo giúp khách hàng sau khi ăn không còn cảm giác bị nóng cổ, ợ hơi. "Chúng tôi tham gia nhiều nhóm, hội trên Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm. Bánh chưng An Lạc cũng vì thế ngày càng có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố", anh Thái thông tin.

Nghề làm bánh giầy An Lạc đã tồn tại nhiều thế kỷ, rất nhiều hộ vẫn duy trì sản xuất. Bánh giầy nơi đây thơm ngon nức tiếng, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách mỗi lần về dự lễ hội đền Cao. Cùng với bánh giầy, nhiều hộ dân trong phường cũng gói bánh chưng. Tuy nhiên, những năm trước, quy mô sản xuất của đa số các hộ nhỏ lẻ, manh mún, thị trường tiêu thụ chỉ trong thành phố Chí Linh. Năm 2021, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Đảng uỷ phường An Lạc giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân phường thành lập các tổ hợp tác sản xuất bánh chưng, bánh giầy, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa 2 loại bánh này trở thành sản phẩm OCOP.

Từ chỗ chỉ có vài tổ viên tham gia, đến nay, Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy phường An Lạc đã quy tụ 120 hội viên, Tổ Hợp tác sản xuất bánh chưng tập hợp được 8 tổ viên. Sản phẩm bánh chưng, bánh giầy của 2 tập thể này đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Phường An Lạc còn có 2 hộ sản xuất bánh chưng, bánh giầy quy mô lớn và cũng được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, hai tổ này cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 chiếc bánh giầy, 4.000 chiếc bánh chưng, cao gấp nhiều lần so với khi mới thành lập.

Mong thành lập làng nghề

img_7639(1).jpg
Tổ viên Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy phường An Lạc đóng gói sản phẩm chuyển giao cho khách hàng. Họ mong địa phương sớm được công nhận là làng nghề

Phường An Lạc là một trong những địa phương có vùng cấy lúa nếp cái hoa vàng lớn. Toàn phường hiện có 149 ha cấy giống lúa này và dự kiến mở rộng lên từ 160-180 ha trong thời gian tới. Đây là một lợi thế lớn để An Lạc tiếp tục phát triển và nâng tầm nghề truyền thống sản xuất bánh chưng, bánh giầy.

img_0155(1).jpg
Bánh chưng An Lạc là sản phẩm OCOP 3 sao, được làm từ gạo nếp cái hoa vàng cấy tại địa phương

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết hằng năm lượng du khách đến tham quan, chiêm bái tại quần thể khu di tích đền Cao lớn. Đây là một thuận lợi để quảng bá du lịch, đặc sản bánh chưng, bánh giầy. Nguyện vọng lớn nhất của người dân hiện nay là đề nghị các cấp tạo điều kiện thuận lợi để sớm thành lập làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh giầy. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống, khẳng định uy tín, thương hiệu, quảng bá và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cho đặc sản của An Lạc, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. "Trước mắt phường sẽ tập trung phát triển diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương, đường nội đồng, tiếp tục hỗ trợ sản xuất cho nông dân. Nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương sẽ giúp hoạt động sản xuất bánh chưng, bánh giầy duy trì ổn định và là một yếu tố quan trọng nếu muốn phát triển thành làng nghề", ông Hưng cho biết.

img_7642(1).jpg
Tất cả các tổ viên Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy phường An Lạc đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá đặc sản quê hương

Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Lạc đã phối hợp mở một số lớp hướng dẫn tổ viên Tổ Hợp tác sản xuất bánh giầy cách lập kênh bán hàng, khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay, 100% số tổ viên đã có kỹ năng bán hàng trên mạng và tham gia các hội nhóm kinh doanh đặc sản OCOP, đặc sản của cả nước. Nhiều hội viên viết bài giới thiệu, làm video về bánh giầy để quảng bá trên Zalo, Facebook, YouTube, Tiktok...

Chỉ tính riêng trong dịp lễ hội xuân vừa qua, các hội viên phụ nữ phường An Lạc đã bán được khoảng 12.000 chiếc bánh qua mạng. "Nếu làng nghề được thành lập, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác, tận dụng các nền tảng công nghệ để quảng bá, bán hàng nhằm đưa bánh chưng, bánh giầy An Lạc ngày càng đi xa", chị Chiến nói.

Đầu thế kỷ thứ X, vua Lê Đại Hành đã về Dược Đậu Trang (TP Chí Linh ngày nay) lập đại bản doanh để chỉ đạo trận chiến trên sông Bạch Đằng đánh quân xâm lược nhà Tống năm 981. Thấy vùng đất này có gạo nếp ngon, nhà vua sai người đem ngâm, đồ xôi và giã thành bánh giầy cùng với chè kho dùng làm lương thảo nuôi quân sĩ. Giặc Tống bại trận, vua cho làm bánh giầy, chè kho tế trời đất, khao quân, thưởng tướng mừng thắng trận.

Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở An Lạc tồn tại từ đó. Người dân trong phường đời tiếp đời gìn giữ, trở thành một nghề kinh doanh, tăng thu nhập cho nhân dân. Hằng năm, tại lễ hội truyền thống đền Cao, phường An Lạc duy trì tổ chức hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho để dâng lễ và dùng làm quà tặng, quà biếu đặc trưng của địa phương.

Đội nghệ nhân phường An Lạc nhiều lần đoạt giải nhất tại các hội thi bánh chưng, bánh giầy tổ chức tại các lễ hội đền Hùng, Côn Sơn - Kiếp Bạc.

TIẾN MẠNH