Nỗi khổ "cha già con cọc"
Lưu Vũ Hằng sinh ra khi bố anh đã 50 tuổi, mẹ 48 với mục đích "thay thế" cho người anh trai gặp tai nạn, bị liệt tứ chi.
"Tôi là niềm hy vọng của gia đình khi có thêm con trai nối dõi cũng như bố mẹ có người chăm sóc khi về già", Lưu Vũ Hằng, 30 tuổi, kỹ sư IT ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc nói.
Lưu nhận ra mình không nhận được nhiều sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ. Nhưng suốt 30 năm cuộc đời, dù chọn lựa gì người đàn ông này cũng phải đặt câu hỏi "Nếu chọn công việc này có thời gian chăm cha mẹ không"; "Nếu sang tỉnh khác sinh sống, cha mẹ ai sẽ chăm lo". Bố mẹ già, sự khác biệt thế hệ quá lớn nên họ không thể cho con trai út lời khuyên, hướng dẫn phù hợp tại những thời điểm quan trọng của cuộc đời.
Lưu bắt đầu cảm thấy lạc lõng với cha mẹ khi bị một bạn cùng lớp bạo hành thời tiểu học. Cậu bé 9 tuổi khi đó không dám kể lại bởi biết bố mẹ sẽ phán xét ngược rằng "không có lửa làm sao có khói, chắc con phải làm gì thì đứa kia mới thế".
Trong 10 năm tiếp theo, Lưu lần lượt từ bỏ cơ hội học cao học cũng như đến thành phố lớn làm việc bởi lý do bố mẹ quá già, cần người bên cạnh. Nhưng điều khiến người đàn ông 30 tuổi cảm thấy thất vọng hơn cả là không có chủ đề chung khi nói chuyện với cha mẹ.
Lưu luôn cảm thấy mối quan hệ giữa họ giống như ông bà và cháu. Anh nhớ lại khi còn nhỏ đã nhiều lần nhờ bố mẹ giúp đỡ vì không giỏi kết bạn nhưng họ luôn đưa ra những lời khuyên chiếu lệ. Đăng ký thi đại học, vì bố mẹ già không biết cách truy cập Internet nên Lưu phải dựa vào chính mình. Sau khi tốt nghiệp đi làm, người cha thường chê trách con trai "không biết dùng não để ghi nhớ đường mà chỉ phụ thuộc vào hệ thống định vị" mỗi khi anh lái xe.
Hỉ Thái, sống ở Hồ Nam cũng có cảm nhận tương tự Lưu Vũ Hằng. Cô là con gái duy nhất trong gia đình, được sinh ra khi mẹ 42 tuổi, bố 45. Năm 12 tuổi, mẹ Hỉ Thái mắc bệnh ung thư và qua đời.
Khi đó, Hỉ Thái dù nhỏ tuổi nhưng luôn lo lắng về sức khỏe của cha, sợ rằng một ngày ông cũng ra đi đột ngột. Thời gian học đại học, dù ở xa nhưng cô luôn về nhà mỗi tuần một lần. Bạn bè liên tục trêu chọc nhưng Hỉ Thái không muốn giải thích nhiều. "Tôi không muốn người khác nhìn mình với ánh mắt thương cảm", cô nói.
Dù thường xuyên về nhà nhưng Hỉ Thái vẫn gọi điện cho bố mỗi ngày dặn dò ông chăm sóc sức khỏe. Vài năm trước bố bị bệnh, cô đã nghỉ học liên tục để đưa ông đi khám. Khi đó các bác sĩ đều nghĩ cô là cháu gái của bệnh nhân nên yêu cầu gặp người trưởng thành hơn trong gia đình.
Đôi khi Hỉ Thái ước mơ nếu mẹ không mất sớm, cô đã có thể sống một đời vô tư ở trường đại học như hầu hết bạn bè, thi thoảng đi du lịch vào những ngày nghỉ. Nhưng giờ tất cả thời gian rảnh, cô đều phải về nhà chăm sóc cha già.
Năm ngoái, cha của Hỉ Thái lại đổ bệnh, dù đã chữa trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Đã có lúc ông từ chối đến bệnh viện để giảm bớt áp lực cho con nhưng cô nói rằng "Còn bố là còn mái ấm", nên người cha mới miễn cưỡng tiếp tục điều trị. Năm cuối đại học, Hỉ Thái đã bỏ ước mơ cao học để ở lại quê nhà chăm sóc cha.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, thời điểm sinh con đầu lòng của phụ nữ đã tăng thêm hai tuổi trong 10 năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục. Theo một báo cáo của Cơ quan tình báo kinh tế, độ tuổi sinh con đầu lòng của phụ nữ Trung Quốc đã tăng từ 24,3 năm 2006 lên 26,9 năm 2016. Ở một số địa phương, ví dụ Trùng Khánh, độ tuổi sinh con đầu lòng đã vượt quá 28 tuổi vào năm 2023, cao hơn 4 tuổi so với khuyến cáo.
Một nhà xã hội học của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, hệ lụy của việc sinh con muộn ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe còn tác động tới tâm lý khi trẻ trưởng thành.
"Lý do chính khiến cha mẹ và con cái thường gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ hòa thuận là khoảng cách thế hệ", vị này nói.
Theo chuyên gia, khoảng cách này phản ánh những trải nghiệm, giá trị và kỳ vọng khác biệt được định hình bởi các thời đại khác nhau. Cha mẹ có vô số kiến thức và trí tuệ thu được từ hành trình cuộc đời của họ, trong khi những đứa trẻ trưởng thành thu nạp những góc nhìn mới mẻ chịu ảnh hưởng của xã hội hiện đại. Những quan điểm trái ngược này đôi khi có thể tạo ra xích mích, hiểu lầm và cảm giác mất kết nối.
Năm nay Lưu Vũ Hằng 30 tuổi, còn bố 80 và mẹ 78 tuổi. Trước đây, họ ít chú ý đến hôn nhân của con út nhưng hai năm gần đây lại liên tục giục kết hôn vì sợ không chờ được đến ngày bế cháu.
Không muốn bị áp đặt, Lưu liên tục phổ biến tới bố mẹ những mô hình hôn nhân hiện đại trong giới trẻ Trung Quốc như DINK (hai thu nhập không con cái) hay độc thân suốt đời. Cha mẹ anh đương nhiên không thể chấp nhận suy nghĩ này bởi theo quan điểm của họ, chức năng chính của hôn nhân là duy trì nòi giống.
Dù không đồng ý nhưng Lưu cũng không muốn tranh cãi với những người già 80 tuổi.
"Khoảng cách thế hệ do chênh lệch tuổi tác quá nhiều khiến lúc nào tôi cũng chỉ được coi là kẻ phải biết nghe lời", mỗi khi nói tới cha mẹ, Vũ Hằng chưa bao giờ có giọng điệu thoải mái.
Theo người đàn ông này, nếu anh được sinh ra sớm hơn hoặc bố mẹ ít tuổi hơn thì khoảng cách thế hệ sẽ được thu gọn lại, khi đó mọi mâu thuẫn còn có hy vọng được giải quyết.