Các di tích ở Hải Dương thu tiền công đức, tài trợ năm 2023 gần 278 tỷ đồng
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 2.421 di tích ở Hải Dương về thu chi tiền công đức, tài trợ. Kết quả số thu là gần 278 tỷ đồng trong năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Hải Dương, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 2.421 di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 271 di tích cấp tỉnh, 2.004 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.
Năm 2023, số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích là hơn 277,7 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Tổng số chi là hơn 257,5 tỷ đồng, gồm chi hoạt động quản lý, lễ hội; tu bổ, tôn tạo; từ thiện, nhân đạo; tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, di tích; an ninh trật tự, y tế, bảo vệ môi trường...
Đa số các di tích đã mở sổ ghi chép số thu, số chi tiền công đức, tài trợ; một số di tích đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để theo dõi việc tiếp nhận thu, chi tiền công đức, tài trợ cho các di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội. Việc kiểm đếm tiền công đức, tài trợ được thực hiện thường xuyên và có sổ sách ghi chép đầy đủ, có sự giám sát của các cấp chính quyền địa phương, nhân dân.
Tuy vậy, việc chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền đối với quản lý, thu chi tiền công đức tại một số di tích chưa được quan tâm, chưa sát sao. Nhiều di tích chưa thành lập ban quản lý và xây dựng quy chế hoạt động theo quy định; một số di tích theo dõi tiền công đức, tài trợ còn mang tính nội bộ, chưa công khai, minh bạch. Một số di tích, cơ sở tôn giáo chưa cung cấp số liệu, thông tin, hồ sơ về việc quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho đoàn kiểm tra cấp huyện. Tại một số di tích, người đại diện quản lý di tích vắng mặt, không ủy quyền cho người khác làm việc với đoàn kiểm tra (chủ yếu ở các di tích có sư trụ trì)...
Sở Tài chính đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn chi tiết quy định về thẩm quyền quản lý các di tích; thành lập ban quản lý di tích các cấp, xây dựng quy chế hoạt động. UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp, hướng dẫn các ban quản lý di tích, người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân theo dõi, quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ một cách khoa học, công khai, minh bạch, đúng theo quy định. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cân đối hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia đã xuống cấp, khi nguồn công đức, tài trợ có số thu không đáng kể. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa, quản lý thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích...