Gia đình

Dòng họ Chử trên đất TP Hải Dương

THANH HÀ 19/04/2024 15:00

Dù gia phả không còn, thế hệ con cháu không được nghe kể nhiều về nguồn gốc của dòng họ, nhưng nhiều người họ Chử ở TP Hải Dương vẫn có niềm tin mình là con cháu của Chử Đồng Tử.

z5333348029479_ee38d98f181415fabbe350a7b60c98f7.jpg
Hằng năm, gia đình ông Chử Hữu Dưỡng (hàng sau, thứ ba từ trái sang) tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng con cháu có thành tích tiêu biểu trong học tập (ảnh do gia đình cung cấp)

Tìm mối liên hệ về nguồn gốc

Trong những câu chuyện tình được sử sách ghi lại, không ai không biết đến mối tình trường tồn mãi với thời gian giữa công chúa Tiên Dung, con vua Hùng Duệ Vương và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Như duyên trời sắp đặt, để được bên người mình yêu, công chúa Tiên Dung đã từ bỏ vinh hoa, phú quý, trở thành thường dân, cùng chồng sống cuộc sống dung dị, bình yên, thường xuyên làm việc thiện giúp người.

Ở Hải Dương, theo thống kê chưa đầy đủ của ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh, còn 2 nơi thờ công chúa Tiên Dung là đình Bảo Sài, ở phường Phạm Ngũ Lão và đình Bình Lâu, ở phường Tân Bình (cùng TP Hải Dương).

Chúng tôi đến gặp ông Đinh Văn Xạ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Quản lý di tích đình Bình Lâu. Theo trí nhớ của ông Xạ, khi ông còn nhỏ, tại khu dân cư số 5 có một ngôi đình nhỏ thờ công chúa. Mẹ ông thường ra đình xin nước về làm lễ trong các ngày rằm, mùng 1. Sau này, ngôi đình không còn, một số đồ vật thờ trong đình như chuông được đưa về chùa Bình Lâu, tượng công chúa Tiên Dung được đưa về đình Bình Lâu. Hiện nay, đình Bình Lâu thờ 3 vị là Trương Công Mỹ, Đinh Văn Tả và công chúa Tiên Dung. Lễ hội đình tổ chức vào ngày 10/3 (âm lịch) thu hút nhiều người dân đến chiêm bái.

Cách đình Bình Lâu không xa là cụm đình, đền, chùa Bảo Sài (phường Phạm Ngũ Lão) tên tự là Thanh Hư động. Ngoài thờ Trương Công Mỹ, ở đây cũng thờ công chúa Tiên Dung. Tượng của bà được đặt trong khám và thờ trong gian chính giữa của hậu cung.

Theo ông Tăng Bá Hoành, những nơi này chắc chắn phải có mối liên hệ nào đó thì nhân dân mới lập đền thờ công chúa Tiên Dung. Theo sử sách ghi lại, khu vực đình Bảo Sài, Bình Lâu trước đây thuộc vùng đất Bình Lao trang gồm các thôn Bằng Lâu, Tân Kim, Trung Xá, Bảo Sài… nằm ven sông Kẻ Sặt. Chử Đồng Tử và Tiên Dung từng là những nhà buôn bằng đường thủy nên có thể đã về những vùng này giao thương, buôn bán, giúp đỡ nhân dân. Người dân xưa kia có thói quen lựa chọn xây dựng làng gần các con sông lớn để người dân đi lại thuận tiện, canh tác nên cũng không loại trừ việc con cháu của Chử Đồng Tử, Tiên Dung di cư từ Hưng Yên về đây sinh sống, lập nghiệp…

Tin là con cháu của Chử Đồng Tử

z5333182876534_2bbd53127516f4361d92f5a1531c6dcd.jpg
Ngai thờ công chúa Tiên Dung trong đình Bình Lâu, phường Tân Bình (TP Hải Dương)

Ở TP Hải Dương hiện nay những người mang họ Chử khá nhiều. Ông Chử Kim Cầu (sinh năm 1952) ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết hiện có khoảng 40 gia đình mang dòng họ Chử chia làm 3 chi, sinh sống quần tụm nơi đây. Thời gian qua, đã có lần ông về vùng đất Khoái Châu (Hưng Yên) tìm nguồn gốc dòng họ nhưng đều không có thông tin. “Tuy nhiên, khi gặp một số người mang họ Chử ở đó, chúng tôi cũng trò chuyện về nguồn gốc, họ hàng của mình. Cùng họ Chử nên chúng tôi nhận nhau là anh em”, ông Cầu nói.

Gắn bó với mảnh đất Hải Dương nhiều đời, gia đình ông Cầu cũng như nhiều người họ Chử ở Bình Lộc luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào, ủng hộ các loại quỹ, xây dựng đình, chùa ở địa phương. Theo ông Cầu, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Chử có nhiều người tham gia chiến đấu và có 1 liệt sĩ. Nhiều người trong dòng họ có trình độ đại học, tham gia công tác tại địa phương. "Bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi đều có những đóng góp xây dựng gia đình, dòng họ, xóm làng phát triển hơn", ông Cầu nói.

z5333345088238_816e9c7999e4357c9525e6cc37442362.jpg
Ông Chử Kim Cầu (bên trái) ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) chia sẻ thông tin về dòng họ Chử

Đời sống phát triển, những người họ Chử ở khu vực đình Bảo Sài hiện nay không còn gắn bó với nghề sông nước của cha ông trước đây mà chuyển sang những ngành nghề phù hợp với thị trường. Ông Chử Hữu Dưỡng ở phố Chương Mỹ (phường Phạm Ngũ Lão) mở xưởng mộc chuyên làm đồ nội thất, từ quy mô nhỏ đến nay đã rộng hàng trăm m2, tạo việc làm cho nhiều lao động. Các con ông và một số người họ Chử mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán làm giàu cho gia đình và xã hội... "Hằng năm, dòng họ chúng tôi đều tổ chức tuyên dương, trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập. Đây cũng là cách để động viên những nỗ lực của con cháu, giữ gìn truyền thống của dòng họ, gia đình", ông Dưỡng nói.

Đánh giá về dòng họ Chử ở khu vực đình Bảo Sài, ông Nguyễn Hữu Nhật, Bí thư, Trưởng khu dân cư số 8, phường Phạm Ngũ Lão cho biết: "Dòng họ Chử tích cực tham gia các phong trào của địa phương, giữ gìn an ninh trật tự, hòa đồng với các dòng họ, xóm làng. Trong phong trào khuyến học, khuyến tài họ đã có nhiều cách làm hay để động viên con cháu lao động, học tập tốt".

THANH HÀ