Hãy cho con nhuộm một lần khói sương
Bài thơ “Để con nhuộm tóc cho nào” của nhà thơ Trần Kế Hoàn là một bài thơ hay, thể hiện lòng hiếu thảo của người con, làm xúc động bao trái tim độc giả.
Để con nhuộm tóc cho nào
Ốm rồi…
chẳng thiết nữa đâu,
mặc chân tóc trắng trên đầu trồi ra.
mẹ không nhuộm nữa… thế là…
khói sương ở phía thật thà hiện lên.
Ngày từng ngày
một dài thêm
nỗi niềm chải xuống…
mắc trên nghẹn ngào…
Để con nhuộm tóc cho nào
dẫu là giả dối bọc vào mẹ ơi…
muốn che giông gió của đời
cái cò cái vạc trong lời ru xưa
muốn che đi khoảng nắng mưa
cho xanh mái cũ cho vừa thanh xuân…
Đừng ngập ngừng, đừng phân vân…
hãy cho con nhuộm một lần khói sương…
Tóc xanh xòa mát trước gương
Mẹ cười…
cả bốn bên tường
run run…
TRẦN KẾ HOÀN
Nhà thơ Trần Kế Hoàn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định. Đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ và 1 tập tiểu luận phê bình. Thơ ông góp mặt khá nhiều trên báo chí Trung ương, địa phương và trong các tuyển tập. Ông còn có duyên với rất nhiều giải thưởng về thơ. Bài “Để con nhuộm tóc cho nào” của ông đã đoạt Giải tác phẩm hay của Văn nghệ Bông Tràm (đồng bằng sông Cửu Long) năm 2020.
Đọc bài thơ này lòng chợt rưng rưng xúc động. Ngay từ tiêu đề đã thu hút sự chú ý của tôi: “Để con nhuộm tóc cho nào” là một lời nói tự nhiên, nghe gần gũi, mang sắc thái cầu khiến, nửa như “nựng”, nửa như cầu xin. Hành động nhuộm tóc cho mẹ tưởng là bình thường, nhưng trong tình cảnh mẹ đang ốm “chả thiết gì”, người con trai nài nỉ để được nhuộm tóc cho mẹ, thì lại không bình thường, nó gói trọn sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của con đối với mẹ.
Câu thơ mở đầu:“Ốm rồi…/ chẳng thiết nữa đâu/ mặc chân tóc trắng trên đầu trồi ra”, tác giả hướng người đọc vào hoàn cảnh thực tại: Mẹ đang ốm nên không thiết chăm chút đến mái tóc, nghĩa là, cứ mặc cho chân tóc trắng trồi ra, không cần nhuộm. Đó là một hiện thực, nhưng câu: “khói sương ở phía thật thà hiện lên”, đã không còn là hiện thực nữa, mà chuyển sang hư ảo nhờ phép ẩn dụ. “Khói sương” chỉ những vất vả cơ cực của mẹ, mà tác giả gọi là “phía thật thà”. Câu thơ “Ngày từng ngày/ một dài thêm” vẫn là câu thơ tả thực nhưng: “nỗi niềm chải xuống…/ mắc trên nghẹn ngào…” lại là một thế giới ảo, cặp từ trái nghĩa "trên/ xuống" cho thấy một sự thật: mẹ ngày một già đi, mái tóc ngày một bạc thêm, càng chải xuống càng lộ chân tóc trắng. Người con gội đầu cho mẹ, ngẫm từ cuộc đời vất vả của mẹ mà nghẹn đắng lòng. Thế nên, con khẩn khoản“Để con nhuộm tóc cho nào/ dẫu là giả dối bọc vào mẹ ơi… ”. Biết nhuộm tóc để che đi khói sương là “giả dối”, nhưng tại sao người thơ lại muốn "bọc" vào? Bọc vào là gói lại, tạm che đi những vất vả, khổ đau một thời hiện hữu trên mái tóc của mẹ đấy thôi… Lý lẽ mà nhân vật trữ tình đưa ra thật chính đáng:“muốn che giông gió của đời/ cái cò cái vạc trong lời ru xưa/ muốn che đi khoảng nắng mưa/ cho xanh mái cũ cho vừa thanh xuân…”. Điệp ngữ “muốn che” giải thích rõ hành động mà người thơ cho là “giả dối” trên. Những từ “giông gió, nắng mưa” và hình ảnh “cái cò cái vạc” là ẩn dụ của những gian truân trong cuộc đời mẹ. Cho nên, nhuộm tóc cho mẹ là một hành động đầy ý nghĩa của con, muốn đưa mẹ trở về thời xuân trẻ. Hay còn đúng hơn, đó là sự động viên khích lệ tinh thần, để mẹ quên đi ốm đau, tật bệnh, tuổi già.
Từ “khói sương” trong câu thơ“hãy cho con nhuộm một lần khói sương”, một lần nữa được lặp lại như nỗi cơ cực triền miên trong cuộc đời mẹ. Với lòng yêu kính, biết ơn cùng nỗi khát khao muốn trả lại tuổi thanh xuân cho mẹ, người con đã thuyết phục được mẹ nhuộm tóc, đem lại niềm vui, nụ cười cho mẹ: “Tóc xanh xòa mát trước gương/ Mẹ cười…/ cả bốn bên tường/ run run…”. Câu thơ cuối có sức ám ảnh không hề nhẹ, tạo dư ba trong lòng người đọc. Từ láy “run run” là từ dùng để biểu đạt tình cảm, cảm xúc, nhưng ở đây nó đã được hình tượng hóa. Bởi hiểu theo nghĩa đen, khi nhuộm tóc cho mẹ, chứng kiến gió sương đời mẹ, người thơ thầm khóc nấc lên, vì thế mà: “cả bốn bên tường/ run run”. Nghệ thuật nhân hóa, càng làm sáng lên hành động nhuộm tóc cho mẹ. Hành động ấy đã làm xúc động không chỉ lòng người mà còn lay động cả những vật vô tri, vô giác:“cả bốn bên tường/ run run”.
Bằng thể thơ lục bát ngắt dòng, cách dùng từ giản dị, tự nhiên, mới lạ, cùng cách sử dụng thành công một số thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, nhân hóa, lặp…), bài thơ “Để con nhuộm tóc cho nào” của nhà thơ Trần Kế Hoàn là một bài thơ hay, giàu ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu thảo của người con, làm xúc động bao trái tim độc giả. Hình ảnh mẹ qua bài thơ gián tiếp hiện lên, vừa vất vả lam lũ, vừa hiền hậu bao dung, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Độc đáo của bài thơ ở chỗ ta từng thấy vợ chồng nhuộm tóc cho nhau, còn con - nhất là người con trai đã từng dày gió dạn sương, nhuộm tóc cho mẹ, có lẽ là rất hiếm, chứa đựng biết bao ân tình trong đó. Chỉ có thể là người con rất yêu kính mẹ mới làm được như vậy!