Đau đầu chuyện "chia con" sau ly hôn
Các vụ thi hành án liên quan đến tranh chấp tài sản, con cái sau ly hôn ở Hải Dương có chiều hướng gia tăng, phức tạp.
Phức tạp, kéo dài
Sau khi ly hôn, một số cặp vợ chồng thỏa thuận kết thúc hôn nhân trong bình yên. Song không ít các cặp đôi tìm mọi cách để gây căng thẳng, trừng phạt nhau vì cho rằng đối phương có lỗi làm cho hôn nhân tan vỡ, trong đó có việc tranh chấp tài sản, con cái, mức cấp dưỡng nuôi con. Nhiều vụ việc thi hành án liên quan đến tranh chấp tài sản, nuôi con kéo dài nhiều năm.
Điển hình là vụ ly hôn giữa anh N.V.A. ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và chị N.T.H. ở TP Chí Linh. Anh A. có đơn yêu cầu thi hành án, buộc chị H. phải giao con chung cho anh A. trực tiếp nuôi dưỡng. Chị H. đang thụ án tại trại giam nên có làm giấy ủy quyền cho mẹ ruột chăm sóc cháu N. là con chung giữa chị và anh A. Quá trình chấp hành viên đến thuyết phục, vận động thì chị H. cho rằng sau ly hôn cháu N. ở với mẹ và bà ngoại, anh A. không chăm sóc, đóng góp nuôi con. Sau nhiều năm, anh A. lại làm đơn muốn nuôi con và toà án đã xử thay đổi quyền nuôi con trong khi chị H. vắng mặt. Tại những lần định giao cháu N. cho anh A., cháu N. khóc lóc, không đồng ý về sống với bố. Mẹ ruột của chị H. dù đưa cháu N. đến địa điểm giao nhưng không ký biên bản giao, không tự nguyện thi hành.
Theo đánh giá của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đây là vụ việc có tính chất rất phức tạp vì đối tượng để thi hành án là con người. Hơn nữa, cháu N. nhất định không theo bố thì việc cưỡng chế ép buộc để giao rất khó thực hiện. Vì vậy, vụ thi hành án này đã kéo dài hơn 1 năm.
Một số vụ thi hành án tranh chấp tài sản sau ly hôn cũng phải giải quyết bằng biện pháp cưỡng chế. Điển hình như vụ tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung ở huyện Ninh Giang vào tháng 9/2023. Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với người phải thi hành án là ông N.V.B. để giao cho người được thi hành án là bà H.T.C. ở huyện Cẩm Giàng. Sau ly hôn, ông B. đã không tự nguyện giao tài sản và giá trị tiền chênh lệch về tài sản hơn 198 triệu đồng cho bà C. theo bản án đã tuyên.
Trong quá trình cưỡng chế thi hành án, ông B. và mẹ đẻ liên tục dùng lời lẽ thiếu tôn trọng đối với bà C., đồng thời dùng điện thoại di động phát trực tiếp vụ việc trên mạng xã hội gây khó khăn cho lực lượng tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Bảo vệ trẻ em
Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, số việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình chiếm khoảng 18% tổng số vụ việc thụ lý hằng năm, trong đó một số vụ phải tổ chức cưỡng chế thi hành án. Hiện nay việc thi hành án liên quan đến tranh chấp tài sản sau ly hôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản chung. Mới đây vụ việc tranh chấp tài sản sau ly hôn ở xã Tân Việt (Thanh Hà) vào tháng 12/2023 đã phải khởi tố hình sự đối với một số đối tượng gây rối trật tự công cộng.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, việc thi hành án liên quan đến tranh chấp nuôi con, tài sản sau ly hôn gặp nhiều vướng mắc do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, không tự nguyện giao con cho người được quyền nuôi dưỡng, thường xuyên gây khó khăn hoặc cố tình trì hoãn việc thi hành án. Mỗi khi cơ quan thi hành án dân sự, chính quyền địa phương đến giải quyết thì họ cho đứa trẻ tránh đi nơi khác để trốn tránh. Không ít trường hợp khi tổ chức buổi làm việc giao con theo kế hoạch đã thống nhất thì họ không ký biên bản giao con. Ở trong tỉnh đã có một số vụ việc phải xử phạt hành chính do không chấp hành thi hành án.
Ông Quý cho rằng cần thực hiện tốt công tác hòa giải và thuyết phục các bên đương sự tự nguyện giao nhận con, giúp hạn chế ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em. Sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong quá trình thi hành án cũng góp phần giải quyết hiệu quả các vụ việc. Người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, pháp luật về hôn nhân, gia đình; chấp hành tốt pháp luật và nghĩa vụ đối với con sau ly hôn là việc làm thiết thực để bảo vệ trẻ em.
Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
(Theo điều 120 Luật Thi hành án dân sự)
(Họ và tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)