Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến "ứng" thơ đáo để
Đoàn Thị Lam Luyến từng nổi tiếng với bài thơ “Chồng chị, chồng em” được giải cao cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1989.
Nhà sáng tác Nha Trang nằm ở vị trí đắc địa, sát gần bờ biển của TP Nha Trang (Khánh Hòa) vốn được rất nhiều văn nghệ sĩ yêu mến. Bởi nơi này hằng năm là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ khi về dự trại sáng tác và cũng từ đây đã tạo cảm hứng để biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời.
Tôi còn nhớ giữa năm 2000, trại sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại đây với bao kỷ niệm đẹp. Một trong những kỷ niệm đó là sự xuất hiện của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, một đại biểu của Hà Nội dự trại.
Khi thấy xuất hiện Đoàn Thị Lam Luyến, các trại viên là đấng mày râu đều xôn xao bàn tán về tài, sắc của chị. Trong số này, nhà thơ Nguyên Hồ tuy đã ở tuổi lục tuần cũng không khỏi rung động. Biết Đoàn Thị Lam Luyến từng nổi tiếng với bài thơ “Chồng chị, chồng em” được giải cao cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1989, nên nhiều trại viên nam hay trêu chị. Nguyên Hồ là người đầu tiên “ứng tác” câu thơ phác họa dung nhan Đoàn Thị Lam Luyến:
"Nha Trang Luyến đến lần đầu
Chưa vui sum họp đã sầu chia ly
Luyến đến rồi Luyến lại đi
Nha Trang hỏi Luyến có gì luyến không?
Đừng như con sáo sổ lồng
Nha Trang luyến. Luyến, Luyến không luyến gì!
Thế rồi Luyến lại ra đi…".
Nghe xong, Đoàn Thị Lam Luyến mỉm cười, thầm cảm phục tài chơi chữ của Nguyên Hồ. Song chị quyết không thua kém bậc đàn anh, liền ngẫu hứng một bài thơ tự trào để ứng đối lại Nguyên Hồ:
"Làng văn có chị Đoàn Lam
Tình dọc thì ít, tình ngang thì nhiều
Hết “Châm khói” lại “Dại yêu”
Xem trong tình ái còn nhiều chông gai".
Quả là nữ sĩ này chơi chữ đâu thua kém Nguyên Hồ, với các từ “tình ngang”, “tình dọc”, đặc biệt là Đoàn Thị Lam Luyến đã “khoe khéo”, cài tên hai bài thơ, cũng là tên hai tập thơ của chị xuất bản năm đó là hai tập “Châm khói” và “Dại yêu”. Tôi đồ rằng, ai nghe câu chuyện cũng sẽ thầm cảm phục sự đáo để của nữ nhà thơ tài sắc này.