Tin tức

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Khơi dậy quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước

TN (theo Vietnam+) 10/04/2024 11:30

Tỉnh Điện Biên đang tập trung chuẩn bị cho khoảng 20 hoạt động quan trọng hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khơi dậy lòng tự hào và ý chí xây dựng, bảo vệ đất nước.

Một số ấn phẩm về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Một số ấn phẩm về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là cả nước sẽ hướng về Điện Biên với đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” mốc son đầy tự hào trong lịch sử dân tộc.

Nhân dịp này, ông Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đã dành cho phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cuộc trò chuyện liên quan đến công tác tổ chức các sự kiện quan trọng sắp tới.

Dồn tổng lực cho 20 hoạt động kỷ niệm

- Xin ông cho biết công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tính đến thời điểm này?

Ông Lê Tiến Dũng: Lễ kỷ niệm 70 năm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là niềm vui to lớn đối với đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang tại tỉnh Điện Biên.

Ý thức tầm quan trọng của sự kiện chính trị này, từ năm 2023, tỉnh Điện Biên đã ban hành các chương trình, kế hoạch, báo cáo về Trung ương, phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng các chương trình chi tiết để xin ý kiến Trung ương cũng như triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm.

letiendung.jpg
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị 20 hoạt động quan trọng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đảm bảo đúng tiến độ.

Ngày 11/4, Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên.

Căn cứ chủ đề hội thảo, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã xây dựng chủ đề, hệ bài với tổng số 109 bài phát biểu, tham luận. Nội dung các tham luận phân tích sâu sắc hơn bối cảnh lịch sử, diễn biến, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó tiếp tục khẳng định và làm nổi bật những đóng góp, vai trò to lớn của các lực lượng tham gia chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Ngày 17/4, hoạt động gặp mặt, tri ân các chiến sỹ Điện Biên cũng sẽ diễn ra với quy mô lớn, dự kiến mời 500 đại biểu. Bên cạnh đó là các hoạt động hướng về nguồn, đặc biệt là phong trào cả nước đóng góp để xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Điện Biên.

Một số các hoạt động sắp diễn ra có thể kể đến Liên hoan Tuyên truyền giới thiệu sách toàn quốc, các triển lãm giới thiệu thành tựu kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng tỉnh Điện Biên, các giải đua xe đạp-giải chạy, chương trình nghệ thuật, cầu truyền hình trực tiếp về Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 5/5), lễ diễu binh-diễu hành (ngày 7/5) và Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5).

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_nhung_tam_guong_anh_hung_gop_phan_lam_nen_chien_thang_“lung_lay_nam_chau_chan_dong_dia_cau”_150111574_7312423.jpg
Trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Đại đội phó Trần Can dẫn đầu tiểu đội xông vào sở chỉ huy địch, cắm cờ lên lô cốt Him Lam. Liệt sỹ Trần Can hy sinh anh dũng sáng 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

- Ông có thể nêu ra một số điểm nổi bật của các hoạt động nói trên?

Ông Lê Tiến Dũng: Năm nay là đại lễ kỷ niệm 70 năm nên các hoạt động có rất nhiều điểm đặc biệt.
Thứ nhất là sự tham gia đông đảo của lực lượng vũ trang, công an, quân đội trong các hoạt động. Riêng Lễ diễu binh, diễu hành có 4 lực lượng tham gia: Lực lượng pháo lễ, lực lượng Không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, lực lượng đứng trên sân hơn 12.000 người. Chương trình Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau đó là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài, phần trình diễn của Khối diễu binh (4 khối Nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an) và khối diễu hành (9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc) và cuối cùng là khối nghệ thuật.

Mới đây, các lực lượng đã hợp luyện tại Hà Nội. Trong tháng 4/2024, các đoàn sẽ hợp luyện tại Điện Biên để đánh giá, rút kinh nghiệm, sẵn sàng cho lễ kỷ niệm sắp tới.

Thứ hai là cuộc gặp mặt đông đảo các nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng ta biết rằng ở dấu mốc kỷ niệm 70 năm, các bác có thể còn đang sống khỏe mạnh nhưng sang kỷ niệm 75-80 năm thì việc gặp mặt, tri ân là rất khó khăn.

Thứ ba là hội thảo quốc gia. Mặc dù là ở các dịp kỷ niệm trước đây như 50 năm, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đều có hội thảo nhưng hội thảo lần này có giá trị đặc biệt, khẳng định được tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_thai_binh_tri_an_chien_si_thanh_nien_xung_phong_dan_cong_hoa_tuyen_tham_gia_chien_dich_dien_bien__142900626_7314199.jpg
Các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tại buổi gặp mặt ngày 9/4 tại Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

- Thưa ông, với một loạt sự kiện lớn như vậy, tỉnh Điện Biên có những gặp những khó khăn gì liên quan đến chuẩn bị cơ sở vật chất?

Ông Lê Tiến Dũng: Với Lễ Khai mạc Năm du lịch Quốc gia-Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban, ngay từ tháng Ba đã có rất đông du khách đến với Điện Biên. Tháng Tư và tháng Năm, lượng khách đổ về sẽ tiếp tục tăng đột biến.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, chúng tôi đã lên rất nhiều phương án bảo đảm công tác chuẩn bị cho lực lượng tham gia các sự kiện. Chúng tôi huy động tối đa cơ sở vật chất của các đơn vị cơ quan quân đội, công an, các đơn vị có hệ thống cơ sở vật chất lớn như trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đối với các du khách, đại biểu, nếu điều kiện khách sạn, nhà hàng không đáp ứng được hết, chúng tôi sẽ bố trí chỗ nghỉ tại các làng văn hóa-du lịch, tại nhà các hộ dân theo hình thức sinh hoạt cộng đồng.

Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự thông cảm, chia sẻ của du khách, đại biểu khi đến với Điện Biên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

- Công tác tuyên giáo tỉnh Điện Biên đang làm rất tốt việc tuyên truyền lưu động tại cơ sở, truyền tải những chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa. Xin ông chia sẻ thêm về hoạt động của ngành tuyên giáo Điện Biên?

Ông Lê Tiến Dũng: Hoạt động tuyên truyền luôn có vai trò hết sức quan trọng. Khi chuẩn bị triển khai chủ trương, chính sách hay một giải pháp nào đó thì công tác tuyên truyền bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.

Đối với Điện Biên là địa bàn có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt khiến cho việc đi lại rất khó khăn, chúng tôi luôn xác định đội tuyên truyền lưu động có vai trò quan trọng để truyền tải tinh thần, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân.

Trong những năm qua, các đội ngũ này đã được kiện toàn. Chúng tôi hết sức chú trọng giải pháp tuyên truyền miệng. Đây là một biện pháp truyền thống nhưng vẫn phát huy tác dụng rất tốt trong thời đại ngày nay, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức hội nghị trực tuyến, ứng dụng các video clip để triển khai tuyên truyền. Tôi cho rằng công tác tuyên giáo tại địa bàn đang rất hiệu quả.

vna_potal_ky_niem_60_nam_nganh_tuyen_giao_tinh_dien_bien_6802220.jpg
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên (bìa phải) nhận Bằng khen trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Tuyên giáo tỉnh (26/6/1963–26/6/2023). (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

- Xin ông cho biết công tác tuyên truyền diễn ra như thế nào trong dịp kỷ niệm này?

Ông Lê Tiến Dũng: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, công tác truyền thông được đẩy mạnh, có thể nói là chưa bao giờ chúng tôi triển khai một cách mạnh mẽ như vậy. Ngay từ năm 2022-2023, công tác truyền thông nói chung cũng như công tác tuyên giáo nói riêng trong địa bàn tỉnh đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động, tích cực tham mưu với tỉnh nhiều giải pháp.

Từ định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, chúng tôi có nhiều mô hình, cách làm riêng đối với Điện Biên để đảm bảo công tác tuyên truyền trở nên gần gũi, dễ hiểu và làm thế nào chuyển tải được tinh thần, giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ tới người dân, khơi dậy lòng tự hào, phấn khởi, từ đó nỗ lực, phấn đấu thi đua lao động sản xuất và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, phát triển tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

TN (theo Vietnam+)