Môi trường

Cá lồng ở Hải Dương chết do thiếu oxy, không phải do dịch bệnh

PV 10/04/2024 08:45

Nguyên nhân ban đầu khiến cá lồng ở Hải Dương chết được xác định do thiếu oxy hòa tan trong nước, không phải do dịch bệnh.

z5333066104159_33d09511ce5c604e3fd478e508d3c39a.jpg
Người nuôi cá lồng trên sông Thái Bình sục khí oxy cho cá (ảnh minh họa)

Sau khi nắm bắt thông tin cá lồng chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các Cục: Thủy sản, Thú y, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế, phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi sát, nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân dẫn cá chết.

Từ ngày 1-4/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhanh tại điểm có cá lồng chết tại các phường Tiền Tiến, Nam Đồng, Ngọc Châu (TP Hải Dương); các xã Bình Lãng, Đại Sơn, Hà Kỳ, Hà Thanh (Tứ Kỳ); các phường, xã Nhân Huệ, Cổ Thành (Chí Linh); các xã Nam Tân, Thái Tân (Nam Sách); các xã Thanh Hải, Thanh Sơn, An Phượng (Thanh Hà). Kết quả cho thấy hàm hượng oxy hòa tan (DO) trong nước rất thấp, chỉ từ 2-3 mg/l trong khi quy chuẩn cho phép là từ 5 mg/l. Hàm lượng khí độc cao, vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, tại một số điểm, cá bị nhiễm ký sinh trùng, nấm hạt.

Theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả đo nhanh ngày 7/4 tại một số điểm trên sông Thái Bình (khu vực TP Hải Dương) cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong nước dao động từ 0,83-1,11 mg/l, thấp hơn quy chuẩn. Kết quả đo nhanh ngày 8/4 tại sông Thái Bình ở xã Nhân Huệ (Chí Linh), điểm cuối sông Đuống chảy vào sông Thái Bình, cầu Phả Lại, điểm tại hệ thống Bắc Hưng Hải trước khi chảy vào sông Thái Bình ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) và tại sông Thái Bình đoạn qua xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng chảy về phía Hải Phòng cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại các vị trí dao động từ 3,09-3,88 mg/l, thấp hơn quy chuẩn. Riêng mẫu tại hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua xã Quang Trung (Tứ Kỳ) trước khi chảy vào sông Thái Bình, hàm lượng oxy hòa tan trong nước đạt 6,34 mg/l, vượt quy chuẩn cho phép.

Qua kiểm tra, phân tích các yếu tố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định cá lồng chết không do yếu tố dịch bệnh mà do thiếu oxy.

Sở khuyến cáo một số giải pháp trước mắt để hạn chết thiệt hại. Đó là tăng cường các biện pháp tạo oxy như sục khí, đảo nước, vệ sinh lồng nuôi… và phòng bệnh cho cá. Giảm mật độ cá trong lồng, khẩn trương tiêu thụ cá đã đạt kích cỡ, san thưa cá khỏe mạnh tại các lồng nuôi có mật độ cao. Tập trung thu gom, xử lý, tiêu hủy cá chết, không để xác cá chết ra ngoài môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Cung cấp điện phục vụ cho sản xuất.

Theo tổng hợp từ các huyện, thành phố, thị xã, đến ngày 9/4, số lượng cá chết trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước hơn 950 tấn.

Trước đó từ ngày 28-29/3, cá lồng ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có hiện tượng chết rải rác, kém ăn, bơi lờ đờ. Từ ngày 30/3-4/4 là những ngày nhiệt độ tăng đột ngột, cá chết rải rác tại các vùng nuôi cá lồng như Nam Đồng (TP Hải Dương), Nhân Huệ, Cổ Thành (Chí Linh), Nam Tân, Nam Hưng, An Bình, Cộng Hòa, Hiệp Cát, Thái Tân (Nam Sách), Đại Sơn, Bình Lãng, Hà Kỳ (Tứ Kỳ), Thanh Hải, An Phượng (Thanh Hà). Riêng ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có mức độ thiệt hại nặng hơn.

Từ ngày 5-7/4, cá lồng vẫn xảy ra hiện tượng cá chết rải rác tại các điểm nuôi nêu trên và phát sinh thêm ở một số điểm mới như An Sơn, Minh Tân (Nam Sách), Hà Thanh, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Thanh Sơn, Thanh Hồng (Thanh Hà), Văn An, Đồng Lạc (Chí Linh), Hồng Phong, thị trấn Ninh Giang (Ninh Giang), Thăng Long, An Phụ (Kinh Môn), Đức Chính (Cẩm Giàng), Phúc Thành (Kim Thành). Đến ngày 9/4, tình trạng cá lồng chết đã giảm, số lượng không đáng kể.

PV