Xử lý vi phạm công trình thủy lợi - Bài cuối: Kinh nghiệm bước đầu ở Ninh Giang, Cẩm Giàng
Với sự chuyển biến trong nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ các công trình thủy lợi, một số địa phương điển hình ở Hải Dương như Ninh Giang, Cẩm Giàng đã có nhiều cách làm hay để giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.
Không có ngoại lệ
Đi dọc 2 tuyến kênh Đại Phú Giang và T6 trạm bơm Hiệp Lễ dịp đầu tháng 4, chúng tôi thấy gia đình bà Bùi Thị Khuyên, ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đang cho máy xúc tháo dỡ cầu dân sinh phía trước nhà. "Nhiều hộ khác cùng xã đã tự nguyện tháo dỡ xong cầu, lều quán vi phạm từ cuối năm ngoái, nhưng nhà tôi vẫn phải tạm giữ lại cầu vì không có lối đi nào khác. Nay con đường phía sau nhà đã làm xong, gia đình tôi bắt đầu tháo dỡ cầu và phải sửa nhà, đục tường mở cửa thông ra lối đi mới này", bà Khuyên nói.
Đến ngày 3/4, người dân 6 xã ở Ninh Giang dọc 2 tuyến kênh Đại Phú Giang và T6 đã tự nguyện tháo dỡ 24 lều quán và 142/156 cầu vi phạm. Hồng Dụ là một trong những xã đi đầu của huyện hoàn thành xong kế hoạch giải tỏa vi phạm ngay giai đoạn đầu. Trong 20 ngày từ ngày 1-20/12/2023, xã đã giải tỏa toàn bộ 7 cầu dân sinh, 4 lều quán vi phạm.
Theo chỉ đạo của huyện, Hồng Dụ đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm, phân công cán bộ trong ban đến từng hộ vi phạm để tuyên truyền, vận động. Huyện kết hợp tuyên truyền trên đài truyền thanh để người dân nhận thức rõ việc đấu nối không phép ra đường tỉnh là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng cảnh quan môi trường; vận động người dân ký cam kết tháo dỡ vi phạm. Mỗi hộ có cầu dân sinh phải tháo dỡ, xã hỗ trợ 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ cho biết trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch giải tỏa xã gặp không ít khó khăn do một số hộ ban đầu chưa chấp hành, ký đơn tập thể đề nghị giữ lại cầu để phục vụ dân sinh. Xã đã tuyên truyền, giải thích cho các hộ hiểu với quyết tâm không có trường hợp ngoại lệ. "Để tạo điều kiện cho các hộ đi lại thuận lợi, xã đã làm đường gom, rải đá cộn, lu phẳng và có kế hoạch mở rộng mặt đường, đổ bê tông theo kiến nghị của người dân", ông Tráng chia sẻ thêm.
Nêu cao vai trò người đứng đầu
Bằng cách làm tương tự, tháng 8/2023 xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã tuyên truyền vận động và hỗ trợ hộ ông Trần Đình Thụ ở thôn Bình Long tháo dỡ 9 trụ bê tông dưới lòng kênh Tràng Kỹ.
Trước đó từ năm 2021, gia đình ông Thụ tự ý đặt 9 trụ bê tông lấn chiếm lòng kênh này, một kênh trục chính của hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là vi phạm nổi cộm hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Cẩm Giàng.
Ông Nguyễn Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Lương Điền cho biết sau khi Báo Hải Dương đăng bài "Ngang nhiên xâm phạm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải" vào ngày 19/7/2023 nêu đích danh hộ ông Thụ và một số hộ khác ở Cẩm Giàng, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương, Thường trực Huyện uỷ Cẩm Giàng đã chỉ đạo xử lý nghiêm nên xã phải vào cuộc ngay. Xã đã xuống nhà vận động và hộ ông Thụ đã thừa nhận vi phạm, đồng ý tháo dỡ, nhưng không có khả năng thực hiện vì các trụ bê tông rất nặng, được chôn sâu đã vài năm. Do đó, gia đình ông Thụ đề nghị xã hỗ trợ tháo dỡ công trình.
Trước đó, xã Ngọc Liên và xã Tân Trường (cùng ở Cẩm Giàng) đã nhanh chóng vận động các ông, bà: Vũ Thị Loan ở thôn Bình Phiên (xã Ngọc Liên) tự tháo dỡ hàng cọc tre dài 20 m, rộng 3 m, thu dọn bao tải đất mà gia đình đã dựng lấn chiếm lòng kênh phía bờ hữu; ông Đào Văn Thanh ở thôn Chi Thành (xã Tân Trường) dọn toàn bộ rác thải xây dựng gia đình tự ý đổ san lấp khoảng 10 m chiều dài phía bờ tả kênh Tràng Kỹ.
Mặc dù số lượng công trình vi phạm hệ thống thủy lợi đã tháo dỡ, giải tỏa còn ít so với tổng số lượng vi phạm tồn tại trên địa bàn tỉnh, nhưng những kết quả bước đầu này đã cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, chính quyền địa phương đối với việc bảo vệ hệ thống thủy lợi.
Kết quả trên do sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương liên tiếp ban hành các nghị quyết, kế hoạch để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng; xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động tự xử lý, giải tỏa vi phạm, cam kết thời gian thực hiện. Trường hợp không tự giác sẽ kiên quyết cưỡng chế. Xử lý triệt để các vi phạm còn tồn tại; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm; hoàn trả đất công bị chiếm dụng. Thời gian hoàn thành xử lý các vi phạm xong trước ngày 31/12/2024.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện giải tỏa, xử lý vi phạm công trình thủy lợi. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm nếu để phát sinh vi phạm mới.