Được trả giá cao nhưng vì sao chủ nhà vẫn không bán?
Theo chuyên gia, dù có bán được nhà và có lãi, chủ nhà cũng không mua được bất động sản có vị trí, khu vực đang sử dụng.
Theo thống kê của một số đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, căn hộ chung cư vẫn đang dẫn dắt thị trường khi giá bán và giao dịch liên tục tăng, đặc biệt tại thị trường thứ cấp. Nhiều căn hộ tại các dự án chung cư cũ đã tăng giá bán với mức tăng trung bình 200-500 triệu đồng mỗi căn so với cuối năm 2023.
Không chỉ mặt bằng giá căn hộ chung cư có xu hướng tiếp tục bị đẩy cao, phân khúc đất nền của thị trường bất động sản Hà Nội cũng chứng kiến sự đi lên của giá bán so với cuối năm 2023. Mức tăng giá dao động phổ biến trong khoảng 5-10%.
Trước tình trạng giá nhà bất động sản tăng cao, có nhiều trường hợp chủ nhà đã "quay xe" không bán.
Thừa nhận giá nhà đã được trả cao hơn thời điểm cần bán - cuối năm ngoái hàng trăm triệu đồng, nhưng chị Thu ở quận Long Biên (Hà Nội) vẫn không bán. Chị nói không bán không phải vì chờ giá cao hơn mà nếu giờ bán đi chị sẽ không biết mua nhà khác ở đâu.
Chị kể cuối năm ngoái chị định bán căn hộ chung cư 64m2 để chuyển đổi sang một căn hộ 3 phòng ngủ khác có diện tích hơn 90m2. Khi đó, kỳ vọng giá bán là 2,4 tỷ đồng nhưng chị rao mãi không ai hỏi mua. Gần đây, căn hộ này được trả giá 2,8 tỷ đồng nhưng căn hộ chị định mua cũng tăng lên 3,7 tỷ đồng.
Giống như chị Thu, tháng 11 năm ngoái, anh Phạm Văn Quang ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng lên kế hoạch chuyển đổi từ căn nhà trong ngõ sang một căn nhà diện tích lớn hơn. Nhưng giờ việc chuyển đổi của anh đã không thể thực hiện được do giá nhà của anh tăng một thì nhà khác cũng tăng hai.
Giờ giá căn nhà trong ngõ của anh đã tăng 400-500 triệu đồng so với cuối năm ngoái. Nhưng căn nhà có diện tích lớn hơn trong ngõ rộng ô tô đi được mà anh tìm mua trước đó cũng tăng cả tỷ đồng. Do đó, anh rút ra giá nhà ở đâu cũng tăng và nhà càng có giá trị thì giá càng tăng.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng chủ nhà "quay xe" dù được trả giá cao, chuyên gia đầu tư bất động sản Trần Minh cho rằng, vừa qua, tại các dự án chung cư cũ, nhà ở trong ngõ, dự án nhà ở thấp tầng tăng giá, đuổi kịp giá mặt bằng mới. Một số dự án mới, ở xa trung tâm cũng được đưa ra một mức giá cao.
Theo ông Minh, giá không tăng ở một khu vực, một vị trí mà tăng ở tất cả dự án chung cư cũ, nhà trong ngõ, nhà thấp tầng. Do đó, dù người có nhà có bán được và có lãi cũng không mua được bất động sản có vị trí, khu vực cùng đang sử dụng như cũ.
"Có người mua một căn chung cư 1,5 tỷ đồng thì giờ giá tăng lên 2,2 tỷ đồng, bán xong họ cũng không mua được một căn hộ có vị trí, công năng sử dụng như vậy", ông Minh lấy ví dụ.
Cũng theo ông, các kênh đầu tư như chứng khoán hay tiền ảo đang có những biến động hay kênh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn… Như vậy, họ sẽ giữ lại nhà và không bán nữa, dù thấy giá đang tăng cao.
Nhận xét thêm về thị trường, ông nói những người bán ra thời điểm này là đa phần là những nhà đầu cơ. Họ tìm thấy cơ hội đầu tư mới, đặc biệt là những người đang có tiền gửi trong ngân hàng "chảy" ra thị trường.
"Thị trường cũng chỉ có một phần người mua ở thực mua được nhà ở thời điểm này. Còn đa phần khó mua, dù lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhưng các thủ tục, điều kiện cho vay không phải dễ, vì điều kiện cho vay bây giờ cần dòng tiền, tài sản thế chấp… không phải ai cũng vay được", ông Minh cho biết và nhận định, đợt "sóng" bất động sản hiện nay ở trong một phạm vi nhỏ, nhóm người nhỏ.
Dù không phủ nhận, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều chuyên gia nhận xét đợt "sóng" của thị trường hiện tại không có nhiều cơ sở để duy trì lâu dài. Bởi vì kinh tế vĩ mô vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, lãi suất huy động đang rục rịch tăng lại, các chính sách, giải pháp tháo gỡ từ phía Nhà nước cũng cần thêm thời gian để triển khai và phát huy hiệu lực.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong giai đoạn thị trường chưa ổn định, người mua không nên dùng đòn bẩy quá lớn. Nhà đầu tư nên lựa chọn những phân khúc có thể tạo ra dòng tiền.