Dành cho người yêu thơ

Những gì giản đơn, lương thiện sẽ còn mãi trong cuộc sống này

BÙI VIỆT PHƯƠNG 21/04/2024 08:00

Đọc bài thơ Mẹ tôi, vạt áo nâu xưa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, ta cảm nhận rõ hình ảnh thiêng liêng, dung dị của Phật giáo, của người mẹ, làm sáng lên chân lý những gì giản đơn, lương thiện sẽ còn mãi trong cuộc sống này...

Mẹ tôi, vạt áo nâu xưa

Mẹ ngồi hai vạt áo nâu
Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay
Ngoài khuya tiếng vạc khô gầy
Sao dăm mảnh vỡ, gió day dứt lùa

Nghe như vọng tự ngàn xưa
Trong sương khói, tiếng mõ chùa đêm đêm
Những ai trở lại thiên nhiên
Lánh đời về dưới cửa thiền... những ai

Đức tin ở một ngày mai
Những tượng đất hát, những đài đền thiêng
Đạp qua khổ nhục oán hèn
Đạp qua dục vọng, cháy lên Niết bàn

Đêm nay ba nén hương tàn
Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru
Mẹ tôi, vạt áo nâu xưa
Tay thành kính chắp khói mờ dương gian

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã phác nên bức chân dung mẹ bằng gam màu đơn giản nhất như một ký hoạ chì: Mẹ và áo nâu xưa.

Những người mẹ Việt hình như đều như thế. Chiếc áo nâu màu đồng đất, màu làng quê, màu của phẩm cách bình dị mà cao quý. Nhưng thi sĩ của Hà Tây một thời tài hoa ở chỗ vẫn tìm ra nét riêng ở người mẹ của mình: Mẹ ngồi hai vạt áo nâu/ Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay/ Ngoài khuya tiếng vạc khô gầy/ Sao dăm mảnh vỡ, gió day dứt lùa.

Trong một đêm thanh tịnh như ngưng đọng lại bao nỗi niềm của trần gian, người mẹ ngồi đó tĩnh tâm giữa muôn vàn xao xác của cuộc sống xung quanh. Đâu phải đêm trăng thanh, gió mát của ca dao, đâu phải đêm yên lặng rụng bông hoa đại nơi chùa chiền mà là một đêm cánh hạc khô gầy trên chặng đường thiên di, trời đầy những mảnh sao (sao dăm mảnh vỡ). Và cả đến gió cũng đang thổi trong niềm day dứt. Và cứ thế, một ngày xưa hiện về: Nghe như vọng tự ngàn xưa/ Trong sương khói, tiếng mõ chùa đêm đêm/ Những ai trở lại thiên nhiên/ Lánh đời về dưới cửa thiền... những ai.

Hai đại từ phiếm chỉ “ai” được lặp lại trong hai câu thơ cận kề nhưng mỗi lần một khác. Bỏ lại những bon chen, tham vọng thì dễ nhưng thành tâm mà “về dưới cửa thiền” mới khó, thành tâm ngộ ra lẽ đời mới khó. Và khi đó, niềm tin chính là ngọn nến toả ánh sáng diệu kỳ, dẫn dụ con người qua đêm đen mê muội. Niềm tin đưa con người đến với cái thiện.

Đức tin ở một ngày mai/ Những tượng đất hát, những đài đền thiêng/ Đạp qua khổ nhục oán hèn/ Đạp qua dục vọng, cháy lên Niết bàn. Đọc cả bài thơ này, hẳn nhiều người sẽ thích thú nhất hình ảnh: Đạp qua dục vọng, cháy lên Niết bàn. Niết bàn - cái đích của sự tu hành hoá ra ngay trong lòng ta. Ngọn lửa huyền diệu đó phải do chính mình thắp lên hay nói như người đời: Phật tại tâm.

Bài thơ khép lại bằng sự thiêng liêng và bình dị, như một cách ứng xử truyền thống của người Việt lâu nay với đức tin: Đêm nay ba nén hương tàn/ Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru/ Mẹ tôi, vạt áo nâu xưa/ Tay thành kính chắp khói mờ dương gian. Có lẽ, ít người nhận ra điều đặc biệt trong sự quen thuộc bấy lâu. Không bùa phép, đâu cần mâm cao cỗ đầy, tất cả chỉ là: Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru. Hình ảnh người mẹ như mờ đi nhưng cũng như tạc, như khắc vào tâm trí: Tay thành kính chắp khói mờ dương gian đã nhẹ nhàng kết lại mạch bài thơ về mẹ.

Bài thơ thanh nhẹ như chính nhan đề: Mẹ tôi, vạt áo nâu xưa, nhưng đủ gợi lên một ấn tượng. Phật giáo, mẹ hay đồng quê đều trường tồn bởi sự dung dị, gần gũi, thân quen nhưng cũng rất đỗi cao quý, thiêng liêng. Hay nói cách khác, những gì giản đơn, lương thiện thì sẽ còn mãi trong cuộc sống này…

BÙI VIỆT PHƯƠNG