Cách nào giảm tần suất viêm phổi tái phát ở trẻ nhỏ?
Gia đình cần kết hợp tiêm chủng và dinh dưỡng, vệ sinh để tăng đề kháng cho con, giảm tình trạng viêm phổi tái phát khi thời tiết chuyển mùa.
Một tháng nay, anh Huy (35 tuổi, Hà Nội) hiếm khi được ngủ ngon. Con gái thứ hai mới một tuổi, thường xuyên ho, sốt về đêm nên vợ chồng anh chia nhau thức để theo dõi. Ban ngày, họ phân công nghỉ làm để trông hoặc đưa con đi khám khi các triệu chứng kéo dài.
Việc con ốm liên tục, cần thời gian và người chăm sóc kéo theo hàng loạt công việc bị khác trễ nải. Gia đình có một quán nước nhỏ ở vỉa hè để kiếm thêm thu nhập, nhưng đã tạm đóng cửa để cần tập trung chăm sóc trẻ ốm.
Chung cảnh ngộ, chị Hạnh (30 tuổi, Hà Nội) có con trai 8 tháng tuổi đi khám 3-4 lần chỉ trong hai tháng vì các bệnh như viêm phổi, cúm, viêm họng... Bé yếu ớt, thường xuyên quấy khóc về đêm, số lần ốm tăng lên khi thời tiết nồm ẩm để chuyển mùa xuân - hạ. Các vấn đề không được nghỉ ngơi đủ, tăng chi phí thuốc men và thời gian chăm sóc con khiến vợ chồng chị căng thẳng, xảy ra cãi vã.
Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh năm 2015 ước tính có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi. Trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm dưới 2 tuổi, mỗi năm có thể mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp 5-8 lần, trong đó tối thiểu một đến hai lần viêm phổi, có thể tái phát liên tục.
Viêm phổi dai dẳng, tái diễn ở trẻ nhỏ có thể gây tử vong hoặc biến chứng nặng, ví dụ trẻ phải thở máy, thời gian điều trị lâu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, dẫn tới tăng chi phí điều trị, gây gánh nặng y tế, căng thẳng cho người nhà. Bệnh còn có thể biến chứng tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, còi xương kém phát triển.
Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh có con mắc viêm phổi dai dẳng, lây chéo trong gia đình. Nhiều trẻ do ốm lâu ngày nên nhẹ cân hơn so với các bạn cùng lứa, hoặc vừa kết thúc vài đợt điều trị tại bệnh viện do bị viêm phổi "hành", được bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine để tăng miễn dịch.
Do đó, khi bé có tình trạng viêm phổi liên tiếp, bác sĩ Khương khuyến cáo phụ huynh cần đưa bé đến để gặp bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc.
Bác sĩ khuyên các gia đình nên tuân thủ đúng các bước phòng bệnh cho con, nhằm giảm tần suất ốm, nhập viện. Khi tắm cho con, phụ huynh lưu ý không tắm quá lâu, đảm bảo môi trường phòng tắm được thoáng mát. Khi bé toát mồ hôi nhiều, mẹ cần thay quần áo cho con ngay, tránh để bé mặc quần áo bị ẩm.
Người lớn không hút thuốc, đun nấu ở phòng có trẻ nhỏ. Nơi bé sinh hoạt cần đủ ánh sáng, lưu thông không khí để giảm tình trạng lưu cữu mầm bệnh trong phòng. Bề mặt sàn nhà, đồ chơi, vật dụng của trẻ cần được khử trùng thường xuyên.
Trẻ mới sinh cần được duy trì bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, việc này giúp giảm gần 1/4 nguy cơ viêm phổi. Trẻ lớn hơn cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ngủ đủ, giúp tăng đề kháng với mầm bệnh.
Khi đủ tuổi, gia đình cần chủng ngừa đầy đủ cho con. Hiện có nhiều loại vaccine giúp phòng các tác nhân viêm phổi trong mùa nóng, ví dụ Hib, phế cầu khuẩn, cúm, sởi... Mũi ngừa phế cầu khuẩn có hiệu quả đến 97%, giảm 41,7% thời gian nằm viện trung bình, giảm 27,8% chi phí nhập viện so với người chưa được tiêm chủng. Mũi ngừa sởi, thủy đậu có thể có hiệu quả từ 97-98% (tùy loại vaccine) trong giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng viêm phổi.
Bên cạnh đó, phụ nữ trước và trong thai kỳ cần tiêm phòng cúm, phế cầu, ho gà để có kháng thể truyền cho em bé. Theo bác sĩ An Khương, thai phụ tiêm vaccine cúm giảm 72% tỷ lệ nhập viện liên quan tới cúm và 29% tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Trong bối cảnh đầu năm 2024 nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella, thủy đậu, ho gà, bác sĩ Khương cho rằng gia đình nên chủng ngừa cho con, thai phụ càng sớm càng tốt, để sớm có miễn dịch với bệnh.