Hải Dương xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương
Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương của Hải Dương gồm các tiêu chí: tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin, tính năng động và tiên phong của cơ quan chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng...
Sáng 5/4, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 4 (lần 2) để giải quyết một số nội dung, tờ trình do các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh và UBND TP Hải Dương báo cáo.
Tại phiên họp, UBND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) do Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn đề xuất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng khẳng định việc xây dựng và triển khai chỉ số DDCI là cần thiết nhằm đánh giá chất lượng điều hành của các cơ quan, đơn vị trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh bộ chỉ số DDCI phải là trí tuệ tập thể, cần ý kiến tham gia, đóng góp của các sở, ban, ngành và địa phương nhằm bảo đảm khách quan, đúng mức, đồng bộ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, hoàn thiện trong ngày 8/4. Bên cạnh đó, cần tham khảo, học tập kinh nghiệp của các tỉnh, thành phố đã triển khai DDCI áp dụng vào thực tế của tỉnh. Việc đánh giá DDCI phải thực chất dựa trên khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị để bảo đảm khách quan, công bằng, tạo thành động lực thi đua.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bộ chỉ số DDCI của tỉnh sẽ gồm 2 bộ chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành và DDCI cấp địa phương. Các sở, ban, ngành được đánh giá DDCI dựa trên 9 chỉ số thành phần, các địa phương đánh giá trên 10 chỉ số thành phần. Tiêu chí cụ thể của các chỉ số thành phần có sự khác biệt để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
10 chỉ số thành phần gồm thực hiện thủ tục hành chính, tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin, tính năng động và tiên phong của cơ quan chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hiệu lực thiết chế, tiếp cận đất đai, tăng trưởng xanh và bền vững. Riêng DDCI của các sở, ban, ngành không thực hiện đánh giá chỉ số tiếp cận đất đai.
Hằng năm, Hải Dương sẽ thực hiện khảo sát 1.600 phiếu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.