Tranh luận về đề xuất nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4: Bên nào chiếm đa số?
Theo thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, đã có đến 86,2% bạn đọc ủng hộ nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5, trong khi chỉ có 13,6% cho rằng nên nghỉ 2 ngày theo quy định, còn lại là ý kiến khác. Vì sao đa số chọn phương án nghỉ 5 ngày?
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin: Ngày 4/4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Việc này nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Tuy nhiên, đây mới là dự thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định. Việc chốt có nghỉ 5 ngày liên tục hay không còn chờ ý kiến của 15 cơ quan, bộ ngành trước khi Thủ tướng ra quyết định cuối cùng.
Ngoài việc tham gia thăm dò ý kiến trên Tuổi Trẻ Online, rất nhiều bạn đọc đã có phản hồi xung quanh vấn đề này.
Nghỉ 5 ngày để kích cầu tiêu dùng, du lịch
Đứng về phía số đông người ủng hộ việc nghỉ lễ 5 ngày, bạn đọc Hoa Vàng viết: "Nên nghỉ 5 ngày để kích cầu kinh tế. Ai có điều kiện thì họ tiêu tiền, ai ít tiền thì ăn uống bình thường ở nhà nghỉ ngơi tại chỗ, tái tạo sức lao động".
Cùng quan điểm, bạn đọc nick name Camilla góp thêm: "Nên nghỉ 5 ngày. Ai không nghỉ thì đi làm, một ngày lễ nhân 2 ngày lương, còn những người làm quanh năm suốt tháng cũng muốn có thời gian hưởng thụ".
Tương tự, bạn đọc Nam Tran bày tỏ: "Hoan nghênh, đề xuất rất hợp lý để kích cầu tiêu dùng. Còn bạn nào không muốn nghỉ thì cứ đi làm, lương được tính gấp 3, có thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Công Bằng viết: "Việt Nam là một trong những nước được nghỉ ít ngày nhất trên thế giới. Xã hội càng phát triển, mức sống càng đi lên thì thời gian nghỉ càng nhiều là hợp với tiến trình phát triển. Kể cả Campuchia ngày nay cũng nghỉ nhiều hơn Việt Nam, Trung Quốc nghỉ quốc khánh cả tuần, còn các nước châu Âu, châu Mỹ cũng nghỉ hơn Việt Nam nhiều từ lâu rồi".
Cũng theo bạn đọc Công Bằng thì: "Năng suất lao động thấp là do làm chưa hiệu quả chứ không phải dùng nhiều thời gian hơn để làm việc. Phải có thời gian tiêu dùng thì sau đó mới kích thích sản xuất. Chỉ có số ít người lao động là bị ảnh hưởng. Hy vọng không ai bị bỏ lại phía sau".
Nên nghỉ 2 ngày theo quy định hoặc hoán đổi ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Để bảo vệ quan điểm nên nghỉ 2 ngày theo quy định, một số bạn đọc cũng đưa ra những lý do khá cụ thể.
Về ý này, bạn đọc nick name KN viết: "Lịch hằng năm in sẵn rồi mà nhỉ, sao từ cuối năm ngoái Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không tham mưu cho Chính phủ luôn, làm như vậy sao doanh nghiệp lẫn người lao động xoay xở kịp".
Thêm vào, bạn đọc An viết: "Tốt nhất là lễ bao nhiêu ngày nghỉ bấy nhiêu. Nghỉ nhiều chỉ lãng phí thêm thôi. Nếu nghỉ mà không cần bù thì hãy nghỉ, chứ mà nghỉ xong rồi bù thì thiệt thòi cho người dân, doanh nghiệp khi làm giấy tờ hoặc có việc cấp bách cần giải quyết".
Không đồng tình với ý kiến nghỉ dài ngày là kích cầu kinh tế, du lịch, bạn đọc nick name Mèo Đen nêu quan điểm: "Ai muốn nghỉ dài cứ xin nghỉ phép. Cứ lo kích thích du lịch, còn hàng ngàn ngành và dịch vụ khác như sản xuất, ăn uống, vận tải..., nếu nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, vậy chỉ làm lợi cho du lịch thì không nên và không công bằng".
Nhằm dung hòa cả hai hướng, bạn Trần Ngọc Hải đề nghị: "Nên hoán đổi ngày giỗ Tổ Hùng Vương là hợp lý (10/3 âm lịch) nhằm ngày 18/4 dương lịch. Lấy ngày đó nghỉ qua ngày thứ hai (29/4) như vậy người lao động sẽ nghỉ một lúc 5 ngày".