Một số thành viên EU yêu cầu áp thuế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine
Các quốc gia thành viên ở phía Đông Liên minh châu Âu sẽ yêu cầu liên minh áp thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc của Ukraine.
Bộ Nông nghiệp Hungary ngày 15/1 cho biết các quốc gia thành viên ở phía Đông Liên minh châu Âu (EU) sẽ yêu cầu liên minh này áp thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc của Ukraine do cạnh tranh không công bằng.
Bộ trên nêu rõ Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia đã gửi một bức thư tới Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu các biện pháp, trong đó nêu rõ nông sản rẻ hơn từ Ukraine đang phá hoại thị trường xuất khẩu của các quốc gia này.
Bộ trưởng Nông nghiệp các nước nhấn mạnh 5 bên ký thư nằm trong 6 quốc gia thành viên EU sản xuất lúa mì và ngô nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu và đây là điều then chốt đối với an ninh lương thực châu Âu và chủ quyền chiến lược của EU.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Itsvan Nagy, bức thư khẳng định đây là lý do EU cần đưa ra các biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia thành viên có chung đường biên giới với Ukraine, đồng thời giúp các quốc gia này tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu.
Bộ trưởng Nông nghiệp 5 quốc gia trên cho rằng quy mô trang trại lớn hơn của Ukraine giúp quốc gia này xuất khẩu ngũ cốc với giá rẻ hơn và sẽ đẩy nông dân EU ra khỏi các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Theo các bộ trưởng, nông dân Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia đã phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể từ khi EU đình chỉ hạn ngạch nhập khẩu và hải quan đối với ngũ cốc Ukraine hồi năm 2023.
Các nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia trở thành các tuyến trung chuyển ngũ cốc thay thế cho Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022. Nông dân tại 5 quốc gia trên đã phản đối việc vận chuyển đó và chỉ trích các tuyến đường này đang phá hủy thị trường nội địa.
Ba Lan, Slovakia và Hungary đã công bố các biện pháp hạn chế đối với việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraine hồi tháng 9/2023 sau khi EC quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào 5 quốc gia thành viên EU là láng giềng của Ukraine. Biện pháp hạn chế của cả 3 nước đều chỉ áp dụng đối với nhập khẩu nội địa và không ảnh hưởng đến việc quá cảnh tới các thị trường tiếp theo.