Từ ý kiến cử tri Hải Dương, Bộ Xây dựng thông tin về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Xây dựng sớm có giải pháp phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tại các khu và cụm công nghiệp cho công nhân.
Để đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Xây dựng sớm có giải pháp phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tại các khu và cụm công nghiệp cho công nhân.
Ngày 4/4, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư hướng dẫn. Dự kiến cơ quan này sẽ trình Chính phủ trong quý II/2024.
Đối với Hải Dương, tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giai đoạn 2021-2025 xây dựng 5.800 căn hộ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hải Dương mới có 1 dự án hoàn thành với 619 căn (tỷ lệ hoàn thành so với mục tiêu đến năm 2025 là 11%).
Như vậy để bảo đảm mục tiêu của đề án, tỉnh Hải Dương sẽ còn phải tập trung đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thành hơn 5.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Thông tin thêm về giải pháp phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tại các khu và cụm công nghiệp cho công nhân, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025).
Theo đó, chương VI (từ điều 76 đến điều 111) của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 đã quy định về chính sách nhà ở xã hội với nhiều quy định mới nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển và giảm giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội ở mức vừa phải để người thu nhập thấp, công nhân lao động có thể tiếp cận mua, thuê mua, thuê nhà ở.
Một số quy định mới mới về phát triển nhà ở xã hội, nổi bật như: Lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; đơn giản các điều kiện để được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội; quy định cụ thể lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Giá thuê nhà ở xã hội sẽ do chủ đầu tư và bên thuê thỏa thuận theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Ngoài ra, để bảo đảm nhu cầu chỗ ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, luật đã bổ sung quy định liên quan đến nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp sẽ được xem xét thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp với giá thuê nhà lưu trú do bên thuê thỏa thuận với bên cho thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Trước đó, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội.”
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.
Cùng với đó, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; đề xuất nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.