Góc nhìn

Nghe ý dân trong cải cách hành chính

HOÀNG LONG 05/04/2024 18:00

Việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ phải bắt đầu từ việc nghe ý dân. Nghe ý dân trong cải cách hành chính sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác quan trọng này và là để cải thiện thứ hạng.

thu-5-khong-hen.jpg
Công chức bộ phận "một cửa" huyện Kim Thành hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) vẫn được xem là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Việc 2 năm liên tiếp Hải Dương thuộc nhóm trung bình thấp về PAPI cho thấy các giải pháp nhằm cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp vẫn còn có những hạn chế.

Mới đây, UBND tỉnh và UBND cấp huyện trong tỉnh đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2023. Đây là giải pháp để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính; đồng thời ghi nhận, phản ánh đánh giá của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính… Tuy nhiên, các báo cáo kết quả, đánh giá chỉ số cải cách hành chính ở các địa phương và ở tỉnh cho thấy việc ghi nhận ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với vấn đề này hiện chưa thực sự thỏa đáng.

Đối với đánh giá chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã, kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước chỉ chiếm tối đa 10/100 điểm. Việc “đo” chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức được các địa phương thu thập bằng phiếu điều tra xã hội học; một số nơi chỉ hỏi 20 người dân mỗi xã, phường, thị trấn. Đối với đánh giá chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, ý kiến đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND cấp huyện cũng chiếm tối đa 10/100 điểm. Việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp được thực hiện bằng phiếu khảo sát trực tuyến qua ứng dụng SIPAS Hải Dương trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, rất khó tìm kiếm thông tin và ứng dụng này trên mạng internet, kho ứng dụng của Google. Trong khi đó, phương pháp thu thập ý kiến người dân để đánh giá chỉ số PAPI là phỏng vấn trực tiếp người trả lời được chọn ngẫu nhiên với thời lượng trung bình mỗi cuộc phỏng vấn từ 45-60 phút.

Tại hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khích lệ những kết quả đạt được; nhấn mạnh một trong những hạn chế chủ quan về cải cách hành chính là còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai nhiệm vụ, dám đứng ra và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đồng chí Trần Đức Thắng thẳng thắn đánh giá một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chưa cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Mục đích quan trọng của thực hiện cải cách hành chính là phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đánh giá chỉ số cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở xác định thứ hạng giữa các sở, ban, ngành, địa phương mà cần nhân rộng những cách làm hiệu quả; phân tích để xác định, khắc phục những nguyên nhân chủ quan; kiên quyết khắc phục những hạn chế kéo dài. Trong cùng những điều kiện tương đồng mà có những đơn vị, địa phương để hạn chế, yếu kém kéo dài thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu...

Đặc biệt, với phương châm của Hải Dương là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, việc các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực sự chú trọng, lắng nghe người dân, doanh nghiệp để có những giải pháp cải cách hành chính thiết thực, phát huy hiệu quả trong thực tế là rất cần thiết.

HOÀNG LONG