Sau ly hôn, vợ đòi chia đất cho các con nhưng không thành
Sau hơn 40 năm làm vợ chồng, ông bà Đ.H.T. và N.T.K. ở Nam Sách đưa nhau ra tòa ly hôn. Người vợ yêu cầu tòa án chia đất ở của hai vợ chồng cho 4 người con nhưng bị tòa án bác bỏ.
Vừa qua, Toà án Nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn.
Ông Đ.H.T. và bà N.T.K. ở huyện Nam Sách kết hôn năm 1980, đã ly hôn theo bản án của Tòa án Nhân dân huyện Nam Sách. Sau khi ly hôn, vì hai người không tự phân chia được tài sản chung nên ông T. đề nghị tòa án giải quyết chia tài sản chung của ông bà gồm: Thửa đất diện tích 112,5m2 tại thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách) cùng 1/2 trị giá ngôi nhà 3 tầng trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng và các đồ dùng trong nhà cả hai bên đã xác nhận.
Ông T. đề nghị tòa phân chia tài sản chung của ông bà theo quy định của pháp luật. Bà K. xác định thửa đất là tài sản chung của ông T., bà và 4 con nên phần tài sản của ông T. là trị giá 1/6 của thửa đất; trị giá 1/2 ngôi nhà trên đất và một số đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như ông bà đã thống nhất. Bà yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người sử dụng là ông bà do UBND huyện Nam Sách cấp ngày 31/3/2008 vì cấp thiếu chủ sử dụng.
Hội đồng xét xử đã xem xét đánh giá các nội dung về nguồn gốc thửa đất tranh chấp này. Ngày 31/3/2008, ông T., bà K. được UBND huyện Nam Sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất diện tích 112,5m2. Theo ông T., tiền mua đất là của ông và bà K. tích góp trong thời kỳ hôn nhân. Còn theo bà K. và 4 người con của ông bà xác định là tiền chung của cả gia đình cùng làm kinh tế khi ở tại tỉnh Lâm Đồng.
Tòa xét thấy các đương sự trong vụ án đều xác định khi gia đình chuyển từ miền Bắc vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng (năm 1999), cả nhà ở cùng nhau và cùng làm kinh tế. Chứng cứ được các nguyên đơn, bị đơn và những có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận nên không cần phải chứng minh. Thời điểm cả gia đình sống và lao động ở vùng kinh tế mới lúc đó các con của ông bà mới từ 14-19 tuổi. Các con sống cùng ông bà một thời gian rồi đều lần lượt có gia đình và ở riêng. Ai cũng đều được ông T., bà K. bố trí chỗ ở riêng đã được các đương sự xác nhận tại các lời khai có trong hồ sơ.
Như vậy, có thể xác định mặc dù các con của ông T., bà K. có thời gian làm kinh tế chung cùng ông bà, có công sức đóng góp trong khối tài sản chung của ông T., bà K. khi ở tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, họ đều đã được bố mẹ chia cho một phần tài sản không nhỏ trong khối tài sản chung của gia đình để tạo dựng cuộc sống riêng. Hơn nữa thửa đất mà các đương sự đang tranh chấp được mua năm 2008 với số tiền 110 triệu đồng không phải là nhiều so với số tiền năm 2009 ông T., bà K. mua thửa đất cho các con… Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định các con của ông bà tuy có phần công sức đóng góp tạo dựng kinh tế chung cùng bố mẹ song cũng đã được bố mẹ hỗ trợ một phần kinh tế để tạo lập chỗ ở riêng nên không có công sức đóng góp gì đối với tài sản chung của ông T., bà K.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xác định thửa đất trên là tài sản chung của ông T. và bà K. mà không liên quan gì đến các con.
Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. về việc chia tài sản chung của ông và bà K. Toà xác định quyền sử dụng thửa đất diện tích 112,5m2 tại thôn An Đông, xã An Bình trị giá hơn 1,76 tỷ đồng là tài sản chung của vợ chồng ông T., không phải tài sản chung với các con của ông bà. Vì vậy, đối với thửa đất này, ông T., bà K. mỗi người được chia một nửa, tương ứng với số tiền 883 triệu đồng. Còn phần tài sản trên đất thì được chia đều cho ông T., bà K. và 2 người con khác theo như đề nghị ban đầu.
Được biết, khi ông T. và bà K. ly hôn đã đề nghị tòa án cho tự thỏa thuận phân chia tài sản. Bà K. yêu cầu ông T. chuyển hết phần tài sản cho con trai nhưng ông T. không đồng ý và gửi đơn đến tòa đề nghị phân chia tài sản theo pháp luật.
Thực tế, hiện nay số vụ ly hôn và tranh chấp khi phân chia tài sản tăng so với trước. Các cặp vợ chồng cần tìm hiểu thông tin về vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng trước và trong hôn nhân, vừa để bảo đảm quyền lợi của bản thân, vừa tránh xảy ra tranh chấp, dẫn đến những hệ lụy buồn sau khi không thể chung sống.