Thêm ngày nghỉ chăm sóc người thân
Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý có giá trị, trong đó phải kể đến ý kiến của Công đoàn dệt may góp ý về hai nội dung.
Đó là cần thiết nâng độ tuổi trẻ em được hưởng sự chăm sóc của cha mẹ theo Luật BHXH khi người lao động có con bị đau ốm, bệnh tật và đề xuất mới là được hưởng chế độ nghỉ để chăm sóc tứ thân phụ mẫu cao tuổi khi đau ốm và cần trợ giúp những hoạt động liên quan đến sức khỏe.
Dư luận xã hội tỏ ra rất đồng tình với đề xuất này.
Công đoàn kiến nghị sửa quy định theo hướng nâng độ tuổi cha mẹ được hưởng thời gian chăm sóc con ốm đau lên dưới 10 tuổi thay vì dưới 7 tuổi như hiện nay, bởi đa số trẻ em dưới 10 tuổi chưa có khả năng tự chăm sóc mình, và thời gian không nên cố định là 20 ngày cho trẻ dưới 3 tuổi và 15 ngày cho trẻ từ 3 đến dưới 7 tuổi, mà thời gian có thể dài hơn tùy theo mức độ và tình trạng của các loại bệnh.
Ngoài ra Công đoàn dệt may cũng có kiến nghị nên có chế độ nghỉ chăm sóc con ốm đau đối với con dưới 15 tuổi. Bởi trẻ từ 11 đến dưới 15 tuổi có thể chăm sóc bản thân, ít ốm đau song nếu mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì cha mẹ cũng phải nghỉ làm để hỗ trợ.
Nếu kiến nghị này được chấp nhận thì có thể coi như có thêm một chính sách tham gia việc khuyến sinh. Một trong số các nguyên nhân không muốn sinh con của người trẻ, nhất là công chức, viên chức và công nhân là do không có thời gian để chăm sóc con.
Và kiến nghị được coi rất có ý nghĩa là Công đoàn đề xuất bổ sung thêm người lao động đóng BHXH được hưởng thời gian nghỉ để chăm sóc tứ thân phụ mẫu từ 70 tuổi trở lên khi ốm đau.
Thực tế cho thấy cha mẹ già khi bị bệnh thì gặp khó khăn, phức tạp hơn trẻ em rất nhiều lần, nhiều người không có điều kiện để thuê người chăm sóc khi điều trị tại gia hay ở bệnh viện, ngay cả những người có điều kiện tài chính tốt vẫn không thể khoán trắng cho nhân viên y tế hay người được thuê vì người già bệnh, ngoài sức khỏe cơ thể ra còn tâm lý và tình cảm nữa.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới khi đến năm 2036, nước ta chính thức bước vào xã hội già.
Chưa kể theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia, chỉ khỏe mạnh đến 64 tuổi, đặc biệt có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.
"Luật nghỉ làm nuôi con, chăm sóc người nhà" của Nhật Bản có quy định ở điều 15: người lao động được nghỉ làm trong thời gian 15 ngày để chăm sóc người nhà cần chăm sóc do chấn thương, bệnh tật hoặc khuyết tật về thể chất hay tinh thần.
Trong bối cảnh hiện tại và tương lai, kiến nghị của Công đoàn dệt may Việt Nam được coi là một điểm sáng mà BHXH cần cân nhắc tiếp thu. Nó không chỉ phù hợp với thực tế nước nhà, thông lệ quốc tế mà còn thể hiện tính nhân văn và văn hóa truyền thống.