Đời sống văn hóa

Tết Thanh minh ở Hải Dương

TIẾN MẠNH 04/04/2024 05:04

Từ lâu Tết Thanh minh đã trở thành dịp lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức, được người dân Hải Dương từ đời này qua đời khác gìn giữ, phát huy. Vào dịp này, người dân tổ chức các hoạt động tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất và nhiều hoạt động có ý nghĩa.

img_7344.jpg
Con cháu dòng họ Nguyễn Đình thuộc ngành 3, phái 3, chi 2 thôn Đô Chàng, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh (ảnh gia đình cung cấp)

Tri ân nguồn cội

Năm nay, Tết Thanh minh rơi vào thứ 5 mùng 4/4 (26/2 âm lịch) nhưng ngày 31/3 (22/2 âm lịch), nghĩa trang nhân dân thôn Đô Chàng, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đã nghi ngút khói hương toả bay, từng dòng người nô nức đi tảo mộ tri ân nguồn cội theo phong tục cổ truyền.

Trước khu lăng mộ gia tiên, đông đảo con cháu dòng họ Nguyễn Đình thuộc ngành 3, phái 3, chi 2 thôn Đô Chàng tập trung dọn cỏ, vệ sinh, trang trí từng phần mộ thêm phong quang, sạch đẹp. Những bông hoa cúc đẹp nhất, những nén hương thơm nhất được con cháu dòng họ dâng lên lăng mộ tổ tiên và những người thân đã khuất để tưởng niệm công ơn sinh thành, dưỡng dục.

Sau khi tảo mộ, gần 200 con cháu thuộc chi họ trên, trong đó có khoảng 70 người đang sinh sống ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh đã trở về nhà thờ làm lễ cúng tổ tiên và tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa khác. Tại đây, đại diện chi họ giới thiệu sơ đồ hệ thống gia phả của dòng họ để các thế hệ con cháu nắm vững về nguồn cội, tổ tiên. Mọi người trong chi họ gặp mặt, giao lưu làm cho tình cảm thêm gắn bó, bền chặt.

T
Không chỉ vệ sinh phần mộ sạch sẽ, nhiều gia đình ở Hải Dương còn sắm sửa hoa tươi, quả ngọt, lễ vật làm lễ cúng người đã khuất trong dịp Tết Thanh minh

Tại các nghĩa trang nhân dân ở thị trấn Gia Lộc, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ)... từng dòng người nô nức đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh. Người dân mang theo nước sạch, nước thơm lau chùi, dọn dẹp cho khu lăng mộ tổ tiên. Có người mang theo liềm, cuốc, xẻng để cắt cỏ, đắp lại phần mộ của người thân đã khuất cho vuông vức. Hoa tươi, quả ngọt, hương, nến, trầu, cau, xôi, giò, bánh chưng... được người dân bày biện để làm lễ cúng trước các phần mộ của gia đình. Những phần mộ vô chủ cũng được nhiều người quan tâm vệ sinh, thắp hương với ý nguyện giúp các vong linh người đã khuất đỡ cô đơn, buồn tủi.

Năm nay 78 tuổi, lưng còng, gối mỏi nhưng cụ Lê Thị Phương ở xã Ngọc Kỳ vẫn cùng con cháu đi tảo mộ. "Được sống minh mẫn đến bây giờ cũng là do công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. Trừ khi ốm đau không thể đi, còn năm nào tôi cũng đi tảo mộ. Hơn nữa, thông qua việc này cũng là để giáo dục con cháu cần tiếp nối truyền thống, văn hoá tốt đẹp bao đời của người dân ta", cụ Phương giãi bày.

img_7256.jpg
Chị Vũ Thị Tuyết (áo xanh) cùng em gái chăm sóc phần mộ người đã khuất tại nghĩa trang Cầu Cương

Một tuần nay, gần như buổi chiều nào ở nghĩa trang Cầu Cương - nghĩa trang nhân dân lớn nhất TP Hải Dương cũng có đông người đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh. Những phần mộ vốn lạnh lẽo ngày thường, ngày Thanh minh trở nên ấm cúng, đẹp đẽ bởi sự chăm sóc của người thân, con cháu. Chị Vũ Thị Tuyết ở ngõ 38 phố Tuệ Tĩnh cùng người thân đi tảo mộ tại đây chia sẻ: "Đời sống ngày càng khấm khá, con cháu càng có điều kiện để tổ chức Tết Thanh minh đầy đủ hơn nhằm tri ân nguồn cội. Cùng với tảo mộ, gia đình chúng tôi tập trung làm cơm dâng cúng tổ tiên và những người đã khuất trong dịp này để tỏ lòng thành kính".

Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa

img_7342.jpg
Đại diện dòng họ Nguyễn gốc Mạc ở làng Thanh Liên, xã Cộng Hoà (Kim Thành) trao bằng và quà chúc thọ cho các cụ cao niên (ảnh cơ sở cung cấp)

Nhiều gia đình, dòng họ tổ chức liên hoan, gặp mặt con cháu trong dịp Tết Thanh minh. Sau khi đi tảo mộ, các dòng họ tập trung mổ lợn, gà làm cơm, trước là để dâng cúng tổ tiên, người thân đã khuất, sau là để anh em, con cháu xum họp liên hoan. Mâm cỗ có thể đơn giản với vài món được làm từ con lợn xong lại đong đầy tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, giữa các gia đình trong dòng họ với nhau.

Cứ vào buổi gặp mặt dịp Thanh minh, dòng họ Nguyễn Đình thuộc ngành 3, phái 3, chi 2 thôn Đô Chàng lại tổ chức trao thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ông Nguyễn Đình Chản, Trưởng Ban Khuyến học chi 2 cho biết hoạt động này đã trở thành nét đẹp văn hoá của chi họ, được duy trì suốt từ năm 2004 đến nay nhằm động viên, khuyến khích con cháu hăng say học tập, vươn lên làm những việc có ích, đóng góp cho quê hương, đất nước. Năm nay, 81 con cháu của chi họ đã được vinh danh, khen thưởng. "Chi họ chúng tôi còn thành lập nhóm Zalo để trao đổi thông tin, tạo sự gắn kết giữa các gia đình, con cháu ở xa. Năm ngoái, 1 cháu trong họ sinh sống ở Bắc Giang bị tai nạn nghiêm trọng. Anh em trong họ chúng tôi đã tham gia đóng góp được hơn 69 triệu đồng để hỗ trợ cháu. Tinh thần đoàn kết, gắn bó trong dòng họ ngày càng thêm bền chặt từ những hoạt động ý nghĩa này", ông Chản thông tin.

Nhân dịp Tết Thanh minh và ngày giỗ tổ năm nay, dòng họ Nguyễn gốc Mạc ở làng Thanh Liên, xã Cộng Hoà (Kim Thành) cũng tổ chức trao tặng giải thưởng "Khuyến học - Khuyến tài - Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi" của Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương và chúc thọ các cụ cao niên.

TIẾN MẠNH