Truyện ngắn

Vàm mất họ vì cứu tôi khỏi vụ hiếp dâm

NGUYỄN THU HẰNG 06/04/2024 10:00

Vàm, một người đàn ông chất phác, một đứa con rơi nhưng lại có những việc làm nghĩa hiệp, để đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm...

mhtrng-bhd-5.4.2024-copy.jpg

Một buổi chiều hửng nắng, tôi trở về đồng Mây. Cánh đồng vừa gặt, rơm trải theo rãnh, vàng hanh hao. Từng đợt gió bấc thổi từ bên kia sông vung sang những vòm cát nối nhau bay như rắc phấn xuống đồng, rắc phấn lên vạt rau đay đỏ trên mương. Chính lớp phấn cát ấy đã kìm tốc độ của đạn đay khi nó phụt ra khỏi nòng nhằm hướng đùi trái tôi xiên tới với một tiếng bụp khô đanh. Cảm giác rát rạt, một vệt đỏ thẫm loang dần. Dựng xe vào gốc tre, nhìn cái quần trắng đã loang như vết máu, tôi chau mày khó chịu. Bụi đay lay động, hai chỏm tóc đen nhô lên, rồi đến hai cái miệng cười trắng lóa. Hai đứa trẻ, tay cầm súng tre, tay nắm hạt đay, áo cộc, quần đùi, đầu tóc bù xù đuổi nhau chạy xiên qua bụi đay, qua mấy rãnh rơm vàng.

“Bảo ra đồng trông rơm mà hai thằng lại nghịch ngợm cái gì thế hả?”. Thằng anh chưa quay lại đã cười nhăn nhở: “Chúng con có nghịch gì đâu”. Nắng xiên ngang hắt một vệt hõm bên má trái người bố khiến tôi nhận ra Vàm. Bất ngờ quá. Đôi mắt anh cũng đầy ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. “Anh Vàm, anh Vàm!”. “Ôi, em... Hồng à?”.

*

Ngày ấy, Vàm theo mẹ đi dọn vườn thuê cho nhà tôi, khu vườn bỏ hoang của bà cụ Sửu họ Bùi, bố tôi mua lại. Cây cỏ rậm như rừng, chiếc giếng khơi bị trẻ con ném đầy gạch đá. Hai mẹ con Vàm phạt lau, cắt cỏ ba ngày liền thì vườn quang. Hai ngày tiếp họ dọn giếng khơi. Tôi mon men vào vườn, chỗ bụi chuối, nên giẫm phải con bọ nẹt. Vàm đã lấy nhựa con bọ nẹt bôi cho tôi khỏi ngứa. Nhờ Vàm mà tôi biết cái mẹo đó.

Vàm bước xuống thang. Tôi ngó theo: “Anh cứ ở dưới đó, để em kéo lên cho nhanh!”. Vàm hốt hoảng: “Em làm sao được. Nặng lắm!”. “Em thích làm mà”. Tôi nhấc xô gạch ra khỏi tời, xách ra gốc tre đổ, mải đi không để ý viên gạch vỡ, đá mũi chân vào, đau nhói. Tôi kêu “ối”, ôm chân, hoảng hốt khi thấy máu tứa ra. Tôi gọi Vàm. Nhưng mãi không thấy Vàm lên. Đến khi máu từ chân tôi chảy loang khắp viên gạch, Vàm mới leo lên, tay ôm bộ đỉnh đồng xám xịt màu bùn. Vàm vứt bộ đỉnh đồng chỏng ngọng ở sân giếng, chạy tới bên tôi.

Tối nhọ mặt người, mẹ tôi mới từ nhà thờ họ Bùi về. Mẹ ra chỗ vòm nhãn, nơi bố đang tưới mấy chậu phong lan bảo: “Thằng Vàm tìm thấy bộ đỉnh đồng tam sự dưới đáy giếng bà cụ Sửu làm cả họ Bùi xôn xao lên”. Tôi hồi ấy chưa hiểu hết bộ đỉnh đồng có ý nghĩa như thế nào với nhà thờ họ Bùi, nhưng qua câu chuyện mẹ kể, tôi lờ mờ hiểu cuộc đời Vàm, nhờ tìm được bộ đỉnh đồng, đang sắp rẽ sang ngả khác.

Trong một trận Tây càn, bác Bùi Lăng trưởng tộc không đi tản cư, bị Tây bắt đem ra bốt xử bắn vì theo Việt Minh. Đêm sau, bộ đỉnh đồng tam sự trên bàn thờ trong nhà bác trưởng tộc bỗng mất tích. Hòa bình lập lại, người bác dâu, vợ bác Bùi Lăng, từ nơi tản cư về, cất công đi tìm mộ chồng, đem về đặt gần phần mộ tổ tiên. Hôm khánh thành mộ, thầy cúng phán rằng, đỉnh đồng vẫn chưa mất, chẳng qua do thời tao loạn mà tạm ẩn mình. Rồi mai đây sẽ tìm thấy. Nhưng phải là cháu đích tôn của dòng họ Bùi mới là người tìm lại được đỉnh đồng. Bà cụ Sửu chính là em gái ông Lăng, không chồng, có nhận một người con nuôi. Bà cụ Sửu mất, người con nuôi ra phố ở, bán đất cho bố tôi. Giờ thì Vàm tìm thấy bộ đỉnh đồng dưới đáy giếng cổ của bà cụ Sửu. Họ Bùi muốn nhận Vàm.

“Thằng Vàm đã tìm thấy bộ đỉnh đồng tam sự dưới đáy giếng. Nhà ông Bùi Toàn biết tin mặt tím lịm đi. Từ nay, thằng Vàm có họ có hàng. Đố ai bảo nó là con hoang nữa. Sẽ phải nhận nó thôi”. Nghe mẹ tôi nói, bố tôi thở dài: “Nhận với chả nhõ. Cái cậu Tuềnh câm thì đã đột tử chết hai năm nay. Lúc chị Vờ đang chửa, nó chỉ trỏ bảo nhận thì ông Toàn chối phay chối phắt. Còn chửi nhà chị Vờ chửa với thằng nào đổ cho thằng không có mồm nhà ông ấy. Nhà ông ấy, thằng Tuynh có mồm thì không biết đẻ. Nhận thằng Vàm thì dơ với thiên hạ. Bé không đoái hoài, lớn đi nhận cháu”. “Phải để nó có họ có hàng chứ!”.

*

“Em giờ thế nào? Học trò đều ngoan chứ? Hai cháu học giỏi cả phải không?”. Từ lúc theo bố mẹ chuyển đi tôi mới về quê ngoại hai lần, vào dịp giỗ bà ngoại và ngày cưới con gái cậu út. Nhưng tôi cũng chẳng qua làng, cậu tôi đã chuyển lên phố mới, tôi theo mẹ về đó, đến chiều lại đi. Vàm đã trở nên xa lạ với tôi cũng vì thế.

“Em vẫn bình bình vậy thôi. Ngày hai buổi tới lớp, tối về chấm bài, soạn giáo án. Anh ấy nhà em dạy học. Vợ chồng cũng thông cảm được cho nhau. Anh thì sao?”. “Anh chỉ làm anh nông dân thôi. Vật nhau với máy, với đất, làm không hết việc, ngoài đồng, trong xưởng... Thỉnh thoảng có người đặt hàng: Xe ba bánh, máy lên luống, máy cuốn rơm, máy thái, ai đặt gì chế đấy”. “Anh thế mà tài thật. Nhiều người có học hành, bằng cấp mà còn chưa sáng tạo được như thế”. Vàm xua xua tay: “Chẳng qua là tính anh hay nghịch từ bé nên mày mò mãi rồi chế ra, chứ sáng tạo gì anh”. Tôi nhớ đến chiếc tời Vàm chế ra bằng ròng rọc cho mẹ kéo xô gạch từ dưới đáy giếng lên. Nhớ đến cái lò đốt quả thông chiều đông trên đồng Mây năm ấy.

Đồng Mây, chiều ấy... Vừa thổi lò đất nung cho đám quả thông cháy lên còn cầm chạy khắp cánh đồng vung khói ấm, Vàm vừa kể, ngày mai rằm, sẽ ra nhà thờ họ Bùi làm lễ nhận họ. Tôi không để ý mấy, vì tôi còn mải ngóng từng tầng mây đuổi nhau ra phía sông. Khói từ những đụn rơm rạ bọn trẻ chúng tôi đốt bay nghiêng theo bãi màu. Tôi theo chân cái Hiên ra vệ sông, thơ thẩn với mây khói. Vàm và tụi con trai chạy đuổi theo bầy trâu đang chuẩn bị bơi qua sông. Cái Hiên vác bị đi nhổ cam thảo đất đem về cho ông làm trà. Thứ trà vừa rót ra đã thơm miệng chén, thơm khắp nhà, nên hễ cứ sang nhà Hiên là tôi lại xin ông Hiên một cốc uống. Đang đi thơ thẩn, tôi nhìn thấy phía lều cá một vạt cải ngồng. Màu vàng thôi miên tôi. Đống lửa lùi lại phía xa. Tiếng léo nhéo của đám bạn cũng bặt dần. Chân tôi cọ vào những thân cây cải mỏng manh, mùi thơm thoảng bay lên, cánh vàng li ti rơi nhẹ như những dấu chấm. Tôi đuổi theo để hứng những dấu chấm vào vốc tay.

Tới trước cửa lều cá, thình lình, một cái mặt đàn ông lởm khởm râu tóc thò ra. “Thích chơi với hoa cải à? Lại đây!”. Giọng hắn sặc mùi rượu, đôi mắt đỏ ngầu. Bàn chân sấn sổ bước tới. Cảm giác ghê sợ choán lấy tôi. Tôi toan quay đầu bỏ chạy. Nhưng bàn tay sần sùi đã vòng lên ôm nghẹn cổ tôi lôi tuồn tuồn vào lều. Tôi giẫy giụa, kêu khóc và hoảng loạn. Đồng Mây chỉ có tiếng gió thổi đáp lại. Đám cải gãy rập, hoa rơi nát vẩn. Hắn quẳng tôi lên chiếc giường ọp ẹp góc lều, rồi giơ bàn chân lên chẹn ngang cổ tôi. Hắn rứt tung chiếc áo trắng tôi đang mặc. Tôi hức lên một tiếng dài, mắt trợn ngược, tim tưởng đang vỡ ra. Bỗng một bóng người lao vào lều, tiếng thanh tre phang xuống lưng hắn đến khực. Hắn rục xuống. Là Vàm. Vàm xốc nách tôi, cõng tôi chạy ra khỏi lều.

Nhìn thấy tôi như tàu lá chuối héo trên lưng Vàm, bố tôi đã gần như phát điên. Ông lao vào chạn rút con dao rựa chạy đi. Mẹ tôi khóc như cha chết, gọi sang nhà cái Hiên nhờ bố nó đuổi theo.

Mẹ cho tôi uống thuốc trợ tim. Tôi nằm lịm đi. Lúc tỉnh dậy, chỉ thấy cái Hiên ngồi bên bàn học. Ngoài trời đã tối đen. “Bố mẹ tớ đâu rồi?”. Hiên bê bát cơm lên, giục tôi ăn lấy sức. Tôi gặng hỏi, cái Hiên kể, bố nó đã đuổi theo bố tôi lên đồng Mây. Hắn được đưa lên viện, chiếu chụp xong phát hiện bị gãy một đoạn xương. Hắn là thằng Chuận, con út ông Bùi Tuấn. Nhà ấy đã sang đánh trói Vàm đưa ra công an xã. Bây giờ, cả bố mẹ tôi đều ở trên ấy.

Hôm sau, Vàm được thả về. Vàm đi qua cổng nhà tôi, tôi nhìn thấy vệt khâu trên má trái Vàm, định chạy ra, nhưng bố tôi quát: “Trẻ con biết gì, đi vào trong nhà!”. Bố tôi đi theo sau Vàm. Mẹ tôi cũng tất tả ra cổng. Tôi chui lên giường, nằm khóc tức tưởi.

Hai tuần sau, bố gọi người đến bán nhà, bán cả mảnh vườn vừa mua còn chưa kịp canh tác để dẫn mẹ con tôi về quê nội. Tôi không từ biệt Vàm, chỉ qua chào cái Hiên. Nó kể, họ Bùi không nhận Vàm nữa, dù bộ đỉnh đồng tam sự Vàm tìm thấy thì người ta nhận. Nể công đó, ông Bùi Tuấn, trưởng họ không kiện cáo gì.

*

Tôi lui ra ngoài trước cho Vàm chăm sóc mẹ. Một người đàn bà áo xanh thồ xe nấm vào sân. Đoán là vợ Vàm, tôi đi tới chào. “Ơ, Hiên!”. Hiên xô tới, ôm vai tôi, lắc lắc: “Trời đất ơi, con Hồng, mày về hồi nào?”.

Hiên kể về Vàm, về cái xưởng làm nấm rơm mới mở của hai vợ chồng, về cả công trình tự chế máy hái nấm mà Vàm đang thử nghiệm. Hai người dẫn tôi đi tham quan xưởng máy. “Đêm nay ở lại. Tao có bao nhiêu chuyện để kể với mày. Mà lần này, về chơi hay có việc gì?”. “Mình... cũng có chút việc...”.

Hiên hỏi làm tôi thoáng lúng túng. Tháng trước, tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh làm khoa học kỹ thuật để đi thi huyện. Cậu học trò Hiến, lớp 8, với ý tưởng chế tạo máy sát khuẩn tay tự động để phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cô bạn đồng nghiệp thấy cô trò loay hoay mãi với sản phẩm mà chưa hoạt động được như ý, bèn mách tôi: “Sang sông, làng Mây, xưởng cơ khí Nghé Vàng chuyên chế máy móc các kiểu. Từ máy gặt, máy xúc, máy cuốn rơm. Cái sản phẩm này chỉ là chuyện nhỏ”. Tôi lần chần. Cùng trò mày mò thêm hai ngày nữa, sản phẩm hoạt động vẫn chưa ưng ý. Vài lỗi kỹ thuật khiến máy không hoạt động liên tục nên chiều nay tôi đã về đây. Không ngờ chủ xưởng cơ khí Nghé Vàng là Vàm. Mặt tôi bỗng nóng lên.

“Việc gì hả em? Vợ chồng anh có giúp được không?”. Vàm đi ra, nghe được câu chuyện đã đỡ lời vợ. Vàm vẫn vậy. Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ngày xưa không có Vàm, tôi không biết rồi cuộc đời mình sẽ ra sao. Nghĩ lại, mắt tôi bỗng cay cay. Nhưng giờ, việc này tôi không thể nhờ Vàm được. Tôi chẳng còn lơ ngơ như ngày xưa mải chơi đến nỗi để Vàm đã phải đánh mất cả dòng họ để giải thoát cho tôi. Tôi không thể chỉ mới có mấy ngày loay hoay với sản phẩm chưa hoàn thiện đã chịu đầu hàng. Tôi không thể lần nữa ỷ lại vào Vàm. Còn lòng tự trọng của tôi, tôi là người hướng dẫn cho học trò của mình làm ra sản phẩm ấy chứ không phải Vàm. Tôi đã là một giáo viên dạy vật lý. “Việc bên cậu em trên chỗ phố mới thôi anh ạ”, tôi đã nói dối Vàm.

Hiên chọn cho tôi mấy cân nấm đùi gà, hẹn tôi lần sau rảnh, về sẽ dẫn ra đồng thăm xưởng sản xuất nấm rơm của gia đình. Lúc ra về, vợ chồng Vàm tiễn tôi ra tới tận đồng Mây. Hai đứa trẻ đang đuổi nhau trên những luống rơm. Tiếng Hiên quát yêu chúng: “Mau dọn rơm gọn vào luống cho bố còn nổ máy cuốn rơm đi chứ!”.

Tôi chào hai vợ chồng Vàm, nhấn ga. Trường của tôi bên kia sông, nằm dưới những tán bàng xanh mát. Bây giờ, ở phòng thí nghiệm, chắc hai học trò cũng đang mong tôi về.

NGUYỄN THU HẰNG