Đồng hành cùng trẻ tự kỷ: Vai trò của cha mẹ là then chốt
Muốn trẻ tự kỷ giảm bớt hành vi, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của giáo viên thì cha mẹ đóng vai trò then chốt. Không ngừng yêu thương, đồng hành cùng con mắc chứng tự kỷ là sự nỗ lực bền bỉ của nhiều cha mẹ ở Hải Dương.
Quan sát con mọi lúc
Vợ chồng anh Phạm Văn Bằng (ở thị xã Kinh Môn) là một trong nhiều bố mẹ ở Hải Dương có con mắc chứng tự kỷ. Con trai anh chị năm nay đã 9 tuổi nhưng mới chỉ vừa biết đọc, biết viết. Đây là niềm vui sướng của vợ chồng anh, vì trước đó gia đình không thể nghĩ con làm được điều đó. Khi con 2 tuổi, vợ chồng anh Bằng nhận thấy cháu chậm phát triển, chậm nói, chậm đi, khiếm khuyết nhiều chức năng. Bên cạnh những giờ học ở trung tâm, anh chị dành nhiều thời gian cho con, không ngừng quan sát con. Anh Bằng cho biết: “Tôi phải để ý kỹ từng cử chỉ của con để điều chỉnh, uốn nắn. Con không nhớ, không làm được ngay thì vợ chồng tôi thay nhau hướng dẫn, không được nản. Đến năm 6 tuổi, con mới tự biết vệ sinh cá nhân”.
Gần 10 năm chăm sóc một cậu bé chỉ lớn về hình thể mà khiếm khuyết về tâm hồn, vợ chồng anh Bằng đã cùng nhau vượt qua nhiều nỗi buồn, niềm vui không trọn để dành những điều tốt đẹp cho con. Cứ cuối tuần anh chị lại cho con đến can thiệp tại một trung tâm ở TP Hải Dương. Với sự cố gắng không mệt mỏi đó, con trai anh đã có nhiều tiến bộ cả trong nhận thức và hành động.
Cũng giống như vợ chồng anh Bằng, chưa một ngày chị Nguyễn Thị Huyền (ở huyện Gia Lộc) thôi cố gắng vì con. Năm nay, con chị Huyền gần 6 tuổi. Từ lúc hơn 2 tuổi, chị Huyền nhận ra con phát triển không được bình thường, chậm chạp. Chị đưa con đến một số cơ sở y tế khám thì phát hiện cháu bị rối loạn tự kỷ. Chị đã hy sinh công việc mình yêu thích để làm một công việc đơn giản hơn, thu nhập thấp hơn nhưng có nhiều thời gian dành cho con. “Rồi mình già yếu, mất đi, lúc đó con sẽ thế nào?”, câu hỏi ấy không ngừng hiện hữu trong tâm trí khiến chị quyết tâm tìm nhiều giải pháp để con phát triển bình thường. Mỗi lần công ty tổ chức liên hoan hay nhóm bạn đi chơi, chị đều cho con gái đi cùng để cháu có thể làm quen với thế giới rộng lớn bên ngoài, hòa nhập cùng thiên nhiên và không cảm thấy bỡ ngỡ, nhút nhát khi lớn lên.
Cha mẹ phải vượt qua chính mình
Thực tế, nhiều cha mẹ không chấp nhận sự thật là con mắc chứng tự kỷ, không dám chia sẻ với bạn bè, người xung quanh. Đó là cái nhìn thiếu tích cực, chưa hiểu con.
Chị Lương Thị Vân Anh, người sáng lập ra ngôi nhà “Happy S.A.D” (TP Hải Dương) cho biết ngôi nhà luôn đón trẻ mắc chứng tự kỷ đến để cùng trải nghiệm làm điều mình thích thì "tình yêu sẽ mạnh hơn nỗi đau". Khi phát hiện con có vấn đề về nhận thức, hành động ngay từ nhỏ, bố mẹ phải là người thoát khỏi nỗi đau đó, tức là không mặc cảm, không chìm trong đau khổ mà sẵn sàng đồng hành từng bước đi với con.
Theo Tiến sĩ tâm lý học Đồng Thị Yến (giảng viên Trường Đại học Hải Dương), với một đứa trẻ bình thường, cha mẹ cố gắng một thì với trẻ mắc chứng tự kỷ phải nỗ lực gấp trăm lần. Nhiều cha mẹ từng mệt mỏi, buông bỏ, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn, con cái sẽ không thể tiến bộ, có thể bệnh nặng hơn. “Cơ hội vàng” của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn 24 tháng tuổi. Đây là thời gian nhận biết rõ nhất các triệu chứng tự kỷ và có nhiều biện pháp can thiệp tốt hơn. Bên cạnh những lớp học cho con, cha mẹ cũng cần học kỹ năng chăm trẻ mắc chứng tự kỷ, kiên trì và trở thành giáo viên cho chính con mình. Khi bố mẹ chủ động đầu tư thời gian và kiến thức, giao tiếp cùng con thì trẻ sẽ thay đổi, tiến bộ hơn. “Tôi nghĩ bố mẹ đóng vai trò then chốt trên bước đường của trẻ mắc chứng tự kỷ. Con có phát triển, hòa nhập được hay không phần lớn là nhờ bố mẹ”, tiến sĩ Yến khẳng định.