Xã hội

Vạn Phúc “đuổi” nghèo đi

BẢO ANH 08/04/2024 11:00

Từng nghèo nhất tỉnh, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) hôm nay luôn coi đó là bài học để nỗ lực vượt khó, vươn lên.

z5306358686621_33a7545f9a200bec714db769120d77b4.jpg
Vạn Phúc là "rốn lũ" của huyện Ninh Giang, sản xuất nông nghiệp khó khăn nên xã đã được tỉnh đầu tư riêng một trạm bơm tiêu úng

Từng nghèo nhất tỉnh

Gần 10 năm trước, cái nghèo ám ảnh nhiều người dân xã Vạn Phúc. Năm 2016, địa phương có tới ¼ số dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thôn nào cũng có vài chục hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhớ lại những năm tháng nghèo khó, ông Phạm Văn Hùng ở thôn 3 cho biết ngày đó nhiều người nói Vạn Phúc "nghèo từ nhà ra ngõ". Trong một xóm nhỏ đi chỉ vài bước lại có một hộ nghèo hoặc cận nghèo. “Vạn Phúc khi ấy là một xã thuần nông đúng nghĩa. Thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào 2 vụ lúa. Đồng trũng, nước trong, năng suất lúa không cao. Năm cấy được sào lúa không bị chết vì ngập úng thì lại bị chuột phá hoại gần hết. Nhiều nhà còn phải gặt lúa non”, ông Hùng kể.

Vạn Phúc là rốn nước của huyện Ninh Giang nên hễ mưa là ngập. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương và huyện Ninh Giang phải đầu tư riêng cho Vạn Phúc một trạm bơm tiêu úng. Quanh năm bám ruộng nhưng đời sống của người dân vẫn khó khăn vì năng suất lúa không cao, đầu ra bấp bênh. Xã không có nghề phụ, doanh nghiệp ở xa, người dân thường xuyên thiếu việc làm. Năm 2016, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, Vạn Phúc mới đạt 9 trong tổng số 19 tiêu chí. Những tiêu chí còn thiếu lại phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực kinh tế nên chặng đường về đích nông thôn mới những năm đó ở Vạn Phúc rất khó khăn.

van-phuc-tren-cao.png
Xã Vạn Phúc hôm nay nhìn từ trên cao (ảnh cơ sở cung cấp)

Những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo ở Vạn Phúc cao một phần do nông dân độc canh cây lúa, ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong xã nhiều hộ đã nghèo lại đông con. Một số hộ có nhiều người bị bệnh, già cả, ốm yếu nên thoát nghèo càng khó…

Phá thế thuần nông

z5306358663350_2270cc95f47abec3b1acb4f8045d0b8d.jpg
Kéo doanh nghiệp về làng đã giúp Vạn Phúc phá thế độc canh cây lúa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Từ một địa phương độc canh cây lúa, người dân chỉ biết bám ruộng, bám làng thì giờ đây Vạn Phúc trở thành nơi thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, kinh doanh. Không chỉ những doanh nghiệp lớn về an cư, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tìm về đây đặt nhà máy. Nhiều người ở Vạn Phúc còn tìm hướng đi xuất khẩu lao động để gửi vốn về nhà hỗ trợ nhau thoát nghèo.

Chị P.T.H. ở thôn 2 chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã. Nhà đông con lại thường xuyên ốm yếu nên chỉ cấy được 5 sào ruộng khoán. Nhà nghèo nên con gái lớn chỉ học hết cấp 2 đã phải nghỉ học đi làm xa giúp mẹ. Nhưng bây giờ thì khác, gia đình tôi đã thoát nghèo. Mấy sào ruộng trũng đã được chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Tôi đi làm công ty gần nhà, lương thưởng cũng khá. Các con không phải bỏ học giữa chừng”.

Kiên quyết thoát danh hiệu “nghèo nhất tỉnh”, Đảng bộ xã Vạn Phúc đã xây dựng nghị quyết thoát nghèo. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Phạm Trung Nhoáng cho biết toàn bộ lãnh đạo xã khi ấy dồn sức đi tìm “chìa khóa” thoát nghèo. Cuối cùng Vạn Phúc đã xác định phá thế thuần nông là cách tốt nhất để giúp người dân dần thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Vì vậy, trong quá trình dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch riêng một khu để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, phát triển tiểu thủ công nghiệp. Khi kéo được doanh nghiệp về làng, các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng được xã triển khai nhanh chóng. Cấp ủy, chính quyền xã giám sát chặt chẽ công tác giảm nghèo, nắm bắt nguyện vọng của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

z5306358674061_02545b1c9e3e2e29b507d4a4f09e2c03.jpg
Những vùng trũng thấp, cấy lúa khó khăn xã Vạn Phúc đã chuyển đổi sang nuôi thủy sản

Bên cạnh đó, Vạn Phúc mạnh dạn mở vùng chuyển đổi nuôi thủy sản ở phía bắc sông Cửu An. Hàng loạt các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức để giúp người dân vững tay nghề, tự tin triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh.

Với phương châm “trao cần câu thay xâu cá”, Vạn Phúc quyết tâm giảm nghèo bền vững. Những hộ nghèo còn khả năng lao động được các đoàn thể trong xã hỗ trợ vay vốn chính sách với lãi suất thấp mở nghề mới như: nuôi gà, thả cá, làm bánh gai, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ…

z5306358672871_f7f3f0aebdc41a17140ce0e02cabea49.jpg
Nhiều nghề phụ được xã Vạn Phúc khuyến khích phát triển để tạo việc làm cho người dân, giảm nghèo bền vững

Nhờ quyết tâm, Vạn Phúc giờ đây đã thoát khỏi danh hiệu xã nghèo nhất tỉnh và còn là địa phương phát huy hiệu quả tiềm năng để xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, xã chỉ còn 28 hộ nghèo, giảm 52 hộ so với năm 2022 và giảm 220 hộ nghèo theo tiêu chí mới so với thời điểm năm 2016 (thời điểm xã nghèo nhất tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của Vạn Phúc chỉ còn 1,86%, giảm 0,06% so với năm 2022 và giảm hơn 15% so với thời điểm năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người của Vạn Phúc đã đạt hơn 65 triệu đồng/năm, bằng mức thu nhập bình quân chung của huyện. 3 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - thương mại của Vạn Phúc đều tăng khá, riêng công nghiệp tăng hơn 3%. Xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

z5306358665047_aeca8d980dfec8414a7f0b0bd5c0ab4a(1).jpg
Đường vào trung tâm xã Vạn Phúc có nhiều siêu thị mi ni, cửa hàng tiện ích

Đi trên đường lớn thênh thang vào trung tâm xã nơi có nhiều nhà máy, nhà cao tầng và hàng quán mọc lên mới thấy ý chí, tinh thần đoàn kết “đuổi nghèo” ở Vạn Phúc đang dần phát huy hiệu quả và đây cùng là động lực để địa phương xây dựng nông thôn mới giàu có và hạnh phúc trong thời gian tới.

BẢO ANH