Dành cho người yêu thơ

Dư vị ngọt mát trong tâm hồn

TRẦN VĂN LỢI 11/04/2024 14:00

Bài thơ "Tiếng chim tu hú" của Anh Thơ đã đọng lại dư vị ngọt mát trong tâm hồn bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua…

Tiếng chim tu hú


Nắng hè đỏ hoa gạo
Nước sông Thương trôi nhanh
Trên đường quê rảo bước
Gió nam giỡn lá cành.

Bỗng tiếng chim tu hú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà.

Cha già thêm tóc bạc
Chống gậy bước lên đồi
Thương một mùa vải đỏ
Má hồng con đang tươi.

Có chàng qua dạm ngõ
Bỗng khói lửa ngút trời
Con đi đêm súng nổ
Vải rụng bến sông trôi...

Rồi tiếng chim tu hú
Vang suốt những mùa hè
Con đi dài thương nhớ
Mười năm chửa về quê.

Tu hú ơi tu hú
Kêu hoài chi vườn xanh?
Ta còn đi đi nữa
Như dòng sông trôi nhanh

Nhắn với chim tu hú
Cha già vui đợi mong
Mười năm trong khói lửa
Má con dù nhạt hồng
Nhưng bao nhiêu em gái
Đẹp lên mùa vải chín ven sông!

ANH THƠ

Bài thơ nổi tiếng "Tiếng chim tu hú" được in lần đầu trong tập thơ "Những cánh chim câu" (1960). Từ đó đến nay, bài thơ xuất hiện nhiều lần trong các tuyển tập thơ khác nhau, chứng tỏ sức sống và vẻ đẹp bền lâu của nó.

Sở trường của Anh Thơ là thể thơ 8 chữ (như hầu hết các bài thơ trong tập Bức tranh quê, xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945) với tiết tấu chậm, nhịp nhàng và êm ả. Nhưng cuộc kháng chiến của toàn dân tộc với tốc độ nhanh, mạnh, quyết liệt đã thực sự tác động và có ảnh hưởng sâu sắc vào tâm hồn nhà thơ, bởi vậy phong cách thơ Anh Thơ đã chuyển đổi rõ rệt, điều ấy thể hiện ở tập "Những cánh chim câu", trong đó có bài thơ "Tiếng chim tu hú" - một thi phẩm mà nhà thơ đã sử dụng thể thơ ngũ ngôn một cách thật đắc địa.

Mở đầu là nỗi nhớ quê hương với không gian rộng, có dòng sông, triền đê và tiếng chim tu hú còn vang vọng trong tiềm thức: "Nắng hè đỏ hoa gạo/ Nước sông Thương trôi nhanh/ Trên đường quê rảo bước/ Gió nam giỡn lá cành/ Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa/ Quả bắt đầu chín lự/ Ngọt như nỗi nhớ nhà".

Trong văn học nghệ thuật, nỗi nhớ nhà thường gợi cảm giác buồn, cô đơn. Nhưng nỗi nhớ nhà trong bài thơ này lại “ngọt”- một sáng tạo rất mới, rất độc đáo và rất điển hình của Anh Thơ. Đó là nỗi nhớ của người có tâm thế “chủ động xa nhà”, là nỗi nhớ của người dấn thân, của người chiến sĩ.

Tiếp đến là nỗi nhớ cụ thể và không gian hẹp hơn - nhớ gia đình, nơi còn người cha tóc bạc, đang từng ngày “chống gậy bước lên đồi”, hướng ánh nhìn về vùng kháng chiến, nơi ấy có người con gái thương yêu, người con gái bé bỏng “má hồng con đang tươi”. Chiến tranh đã chiếm đoạt cuộc sống thanh bình và hạnh phúc lứa đôi. Người con gái ấy mới hôm qua còn được “Có chàng qua dạm ngõ” mà hôm nay đành chấp nhận một thực tế phũ phàng: "Con đi đêm súng nổ/ Vải rụng bến sông trôi…".

Hình ảnh vải rụng bến sông trôi… đã gợi ra những biến động của thời cuộc, về số phận của con người, nhất là hạnh phúc của một cô gái. Cuộc dấn thân thật gian truân và vô cùng khắc nghiệt “Mười năm trong khói lửa/ Má con dù nhạt hồng” nhưng vì lý tưởng, có niềm tin vào tương lai, những câu thơ vẫn tràn đầy hy vọng khi biết sau mình sẽ còn biết bao người nối tiếp, nhà thơ bỗng thấy lòng sảng khoái một niềm tin vào tương lai: "Nhưng bao nhiêu em gái/ Đẹp lên mùa vải chín bên sông!".

Từ đầu bài thơ đến đây đều là thơ 5 chữ, vậy mà đến câu cuối cùng, nhà thơ bỗng hạ một câu thơ 7 chữ, như sự nới rộng của không gian, của nỗi nhớ và của niềm tin, hy vọng.

Tiếng chim tu hú diễn tả nỗi nhớ quê hương tha thiết nhưng không bi lụy mà tràn đầy niềm tin vào kháng chiến, vào tương lai. Vì thế, bài thơ đã đọng lại dư vị ngọt và mát trong tâm hồn bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua…

TRẦN VĂN LỢI