Bất bình đẳng giới "vô thức"
Ở nhiều quốc gia, bất bình đẳng giới xảy ra một cách vô thức do văn hóa và trải nghiệm truyền thống mà chính phụ nữ không nhận ra.
Bất bình đẳng giới đôi khi rất tinh vi, khó nhận ra bởi nó không nằm ở việc ai làm nhiều việc nhà hơn mà là loại công việc con gái và con trai được giao.
Ví dụ các cô gái được phân công nấu ăn, dọn dẹp trong khi con trai được yêu cầu làm những công việc ngoài trời như chạy việc vặt hoặc rửa xe. Cũng là làm việc nhà, nhưng bé gái được dạy với mục đích giúp đỡ gia đình, còn bé trai là "để mai này lớn lên đi làm việc quốc gia đại sự".
Trong nhiều nền văn hóa châu Á, các bé gái được khuyên cần học làm việc nhà để lúc về nhà chồng biết cách nấu ăn, dọn dẹp. Con gái cũng phải cư xử nhẹ nhàng, lịch sự, trong khi con trai được phép nghịch ngợm, ồn ào.
Theo các chuyên gia, khen ngợi ngoại hình của các cô gái cũng là một dấu hiệu của bất bình đẳng bởi nó gián tiếp củng cố quan niệm rằng giá trị của con gái nằm ở ngoại hình hơn là trí tuệ và tiềm năng.
Phụ nữ trẻ cũng có thể nhận được những nhận xét không mong muốn về ngoại hình, cân nặng hoặc thói quen ăn uống. Mặc dù bị tổn thương và gây ra các vấn đề về hình ảnh nhưng phụ nữ không dám phản ứng vì phải tôn trọng người lớn tuổi.
Theo thời gian, nhiều phụ nữ tiếp thu vai trò và niềm tin giới tính được "nhồi vào đầu" từ nhỏ. "Điều này khiến họ giảm tự trọng và khó khẳng định bản thân. Nó có thể hạn chế nguyện vọng nghề nghiệp và cảm giác trao quyền tổng thể", Sophia Goh, cố vấn chính của trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý Sofia Wellness Clinic, Singapore, nói.
Một nghiên cứu của đại học Chicago cho thấy phụ nữ sinh ra ở những vùng có phân biệt giới tính thu nhập thấp hơn và ít cơ hội việc làm hơn. Tác động này vẫn tiếp tục ngay cả khi họ chuyển đến những khu vực ít phân biệt giới tính hơn khi trưởng thành. "Khi đó, họ gặp áp lực liên tục để hoàn thành cả hai vai trò một cách hoàn hảo và xung đột liên tục xảy ra", Goh nói.
Thivya Lakshmi, nhà tâm lý học lâm sàng tại trung tâm tâm lý học Singapore kể nhiều phụ nữ vì bị đối xử bất bình đẳng phải tìm đến trị liệu vì cảm giác không được lắng nghe và coi trọng dù đã dốc sức cho cả công việc và gia đình. Họ thấy đang cố gắng nhưng không được công nhận như nam giới, đặc biệt là ở nhà.
Khi tư vấn cho các đôi, các nhà trị liệu phát hiện mâu thuẫn vợ chồng có thể bị hình thành bởi lý do sâu sắc là định kiến giới và thiếu trao đổi về vai trò mà người này kỳ vọng ở người kia.
Không những tác động tới phụ nữ, phân biệt giới cũng là con dao hai lưỡi với nam giới. Những kỳ vọng của xã hội về nam tính hạn chế đàn ông cởi mở thể hiện cảm xúc và chăm sóc con, đặc biệt khi họ làm chồng, làm cha.
Để thay đổi định kiến giới trong gia đình, mỗi người phải hiểu cha mẹ, họ hàng không có ác ý. Họ thậm chí không nhận ra đang duy trì những chuẩn mực giới lỗi thời.
"Vì vậy, nên nói chuyện với mục đích cập nhật thay vì đưa ra lời buộc tội nặng nề, mang tính cảm xúc", Goh nói.
Chuyên gia gợi ý con trai và con gái nên lắng nghe cha mẹ chia sẻ mong đợi của họ về vai trò giới. Sau đó, bày tỏ quan điểm và cảm giác của bạn.
Nếu điều gì đó khiến bạn không thoải mái, hãy bình tĩnh bắt đầu cuộc trò chuyện. Ví dụ, một người lớn tuổi trong gia đình muốn phụ nữ phải ở nhà chăm sóc các thành viên khác, hãy nói với người đó trước đây việc sắp xếp như vậy giúp gia đình yên ấm, nhưng thời đại này, một nguồn thu nhập từ chồng sẽ làm cuộc sống khó khăn hơn.
"Để đáp lại những lời chỉ trích và những tuyên bố không công bằng, việc sử dụng câu nói 'tôi' có thể rất hiệu quả. Ví dụ, một người có thể nói: 'Khi bạn nhận xét về cân nặng của tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy không an toàn về cơ thể của mình'," Goh gợi ý.
Nếu phụ nữ đến nhà họ hàng được giao nhiệm vụ vào bếp, hãy truyền đạt rõ mong đợi của bạn. Ví dụ, bạn có thể nói "Cháu rất vui được chuẩn bị bữa tối, nhưng sẽ không dọn dẹp sau khi mọi người ăn xong".
Một cách gián tiếp để không đối đầu khi bàn về bình đẳng giới là để phụ nữ trẻ chia sẻ những câu chuyện về hình mẫu phụ nữ thành công cũng như nguyện vọng của cá nhân họ.
"Điều này sẽ khuyến khích các thành viên trong gia đình nhìn xa hơn những gì được mong đợi ở phụ nữ ở nhà và đánh giá cao cách phụ nữ thể hiện kỹ năng, khả năng ở ngoài gia đình", Lakshmi nói.
Nếu phân biệt giới tính là chủ đề khó khăn, những người trẻ nên tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia trước khi bắt đầu trò chuyện. Mục tiêu của cuộc trò chuyện không phải là để gây chiến hay làm tổn thương những người thân yêu của chúng ta mà là để mở rộng hiểu biết về khả năng của cả phụ nữ và nam giới.