Oppenheimer, bom nguyên tử và sự bối rối của khán giả Nhật
Oppenheimer vừa ra rạp tại Nhật Bản, muộn 8 tháng so với phần còn lại của thế giới. Đây là quốc gia duy nhất từng hứng chịu hậu quả của vũ khí hạt nhân.
Vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã đi vào lịch sử thế giới như một ký ức không thể nào quên. Và với người dân Nhật Bản, sự kiện sẽ hằn sâu mãi mãi.
Vì vậy, phản ứng của dư luận Nhật Bản với Oppenheimer cũng rất phức tạp, có cả sự đồng cảm, tranh luận, bối rối và thất vọng.
Khi chiếu ở Tokyo, nhà phát hành dán biển hiệu ở lối vào rạp chiếu để cảnh báo bộ phim có chứa hình ảnh các vụ thử hạt nhân - điều có lẽ sẽ không dễ chịu với người dân Nhật Bản.
Oppenheimer doanh thu tốt
Hôm 31/3, Variety thông báo Oppenheimer có doanh thu mở màn 2,5 triệu USD tại Nhật Bản. Phim đứng thứ ba phòng vé Nhật sau hai phim nội địa khác.
Theo Universal Pictures, đây là thành tích mở màn tốt thứ ba của một phim Hollywood tại Nhật trong năm 2024, sau Aquaman 2 và Dune: Part Two.
Doanh thu tại Nhật cũng giúp Oppenheimer chạm mốc 965 triệu USD toàn cầu. Con số quá ấn tượng với một bộ phim kéo dài ba tiếng, phân loại R.
Việc một phim Hollywood ra rạp ở Nhật muộn hàng tháng trời so với cả thế giới là điều không hiếm. Nhưng trường hợp này được chú ý đặc biệt vì là Oppenheimer - bộ phim từng gây tranh luận rằng có bị cấm tại Nhật hay không.
Lấy trung tâm là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ J. Robert Oppenheimer (do Cillian Murphy thủ vai), phim kể lại quá trình chế tạo bom nguyên tử. Vũ khí hủy diệt hàng loạt đó đã được kích nổ vào năm 1945 ở Hiroshima và Nagasaki, giết chết hàng trăm nghìn công dân Nhật Bản.
Toho-Towa, công ty phát hành phần lớn phim Hollywood ở Nhật Bản, đã quyết định không liên quan đến Oppenheimer. Tháng 12 năm ngoái, nhà phát hành nhỏ hơn là Bitters End đã chọn bộ phim "sau nhiều tháng đối thoại sâu sắc liên quan đến chủ đề này".
Bitters End trước đây đã phụ trách phát hành Parasite - phim Hàn Quốc từng đoạt giải Oscar - tại Nhật Bản.
Đồng cảm, bối rối và cả thất vọng
Theo Reuters, khán giả 86 tuổi Teruko Yahata là người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử, cho biết bà thấy đồng cảm với nhà vật lý trên phim.
Hay sinh viên 19 tuổi Rishu Kanemoto cũng có suy nghĩ tương tự. Kanemoto nói Hiroshima và Nagasaki chắc chắn là nạn nhân, còn nhà vật lý - vốn bị coi là thủ phạm - thực chất cũng là một nạn nhân bị cuốn vào chiến tranh.
Hãng AP dẫn góc nhìn phê phán bộ phim của Takashi Hiraoka, cựu thị trưởng thành phố Hiroshima.
Ông nói tại một sự kiện xung quanh bộ phim: "Bộ phim được thực hiện nhằm xác nhận kết luận rằng bom nguyên tử được sử dụng để cứu mạng người Mỹ".
Dù phim chưa có đủ thông tin về nỗi kinh hoàng của vũ khí hạt nhân, ông Hiraoka vẫn khuyến khích mọi người đi xem.
The Guardian dẫn nhiều phản ứng phức tạp của khán giả Nhật về bộ phim, trong đó có mong muốn đáng ra phim phải mô tả rõ ràng hơn về tác động của vũ khí hạt nhân.
"Tất nhiên đây là một bộ phim tuyệt vời, xứng đáng giành được giải Oscar.
Nhưng bộ phim cũng mô tả quả bom nguyên tử theo cách có vẻ ca ngợi nó, và với tư cách là một người gốc Hiroshima, tôi cảm thấy khó xem" - Kawai, 37 tuổi, cư dân Hiroshima, nói với Reuters.
Một số khán giả khó chịu với "Barbenheimer" - lối quảng bá phim gắn Oppenheimer với phim hài Barbie vì hai phim ra rạp cùng ngày vào mùa hè năm 2023.
Họ cho rằng điều này tầm thường hóa những gì họ phải chịu đựng từ bom đạn.
Agemi Kanegae (65 tuổi), một cư dân Hiroshima về hưu, cho rằng bộ phim rất đáng xem, nhưng ông "cảm thấy khó chịu với một số cảnh phim, chẳng hạn như phiên điều trần Oppenheimer tại Mỹ ở đoạn cuối".
Bên cạnh đó, một ý kiến đáng chú ý khác là: Oppenheimer chỉ là góc nhìn của người Mỹ về bom nguyên tử, người Nhật cần một bộ phim thể hiện góc nhìn của riêng mình.