Tác giả - Tác phẩm

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và cách đặt bút danh

THIÊN GIA TRANG 07/04/2024 08:30

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh quê làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, Hà Đông cũ, nay thuộc TP Hà Nội.

20160325183522-nguyenvanvinh.jpg

Ông từng làm thông phán Tòa sứ, rồi bỏ công chức ra ngoài làm báo, là chủ bút 7 tờ báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, trở thành nhà báo, nhà dịch giả nổi tiếng đầu thế kỷ 20 ở nước ta...

Tiên phong truyền bá chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho nền báo chí và văn học chữ Quốc ngữ, ông Vĩnh có một câu nổi tiếng: “Nước Nam ta mai sau này hay dở, là ở chữ Quốc ngữ”.

Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng thường có nhiều bút danh. Thời làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh có tới 20 bút danh. Ví như Tân Nam Tử, Quan Thành, Tông Gia, Lang Gia, Bản Quán, Đinh Thái Lai, Thực Trí…

Khi sinh con gái Nguyễn Thị Loan, ông lấy tên con làm bút danh Đào Thị Loan, ký dưới các bài trong chuyên mục Nhời đàn bà trên tờ Đăng Cổ tùng báo, chuyên đề nói chuyện tâm tình, đời sống thầm kín của phái nữ.

Với những bài báo cần phê phán những hủ tục, ông dùng bút danh Thực Trí. Nhiều bài ông ký bút danh là Quan Thành. Sau mới biết làng Đông Quan, bên cạnh làng ông là Phượng Dực, còn Thành là thành nội. Ông lấy chữ của làng xã quê cha, ghép với chữ nơi mình sinh ra làm bút hiệu. Sau này, nhà văn Nhất Linh cũng lấy chữ Phượng (Dực) là quê vợ, ghép với làng sinh ra mình là Giang (Cẩm Giang) thành tên nhà xuất bản Phượng Giang thời kỳ sống ở Sài Gòn.

Nhưng ấn tượng nhất là bút danh Tân Nam Tử, dùng toàn chữ Hán. Tân là mới, Nam là nước Nam và Tử là người. Thành ra Tân Nam Tử là Người Nước Nam mới được viết hoa! Những bài sâu sắc tâm huyết, lay động nhiều trái tim bạn đọc, ông đã dùng bút danh này. Ông muốn đằng sau con chữ của bài báo, là thông điệp của một người Việt Nam mới, hay ngầm ý là tư thế của người Việt Nam mới trong xu thế mới.

Với ông Vĩnh, bút danh cũng là vũ khí, biểu hiện tư tưởng!

Không chỉ đặt bút danh của mình, mà cách đặt tên con của ông Vĩnh cũng khác người. Năm 1914 sinh con trai là Nguyễn Nhược Pháp (sau này là nhà thơ, trong Thi nhân Việt Nam). Bấy giờ là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1919). Nước Pháp tưởng là hùng mạnh, ai ngờ đã nhanh chóng đầu hàng Đức. Ông Vĩnh gửi ý mình trong tên Nhược Pháp! Năm 1921, đúng năm ông về làng nhận chức Chánh hương hội thì vợ sinh con trai, ông đặt tên con Nguyễn Dực, để nhớ cội nguồn, mảnh đất tổ tiên (làng Phượng Dực).

Năm 1918, vua Khải Định tuần du Bắc Hà, ông Vĩnh cũng trong đoàn người chào đón, đã bắt tay vua nhưng bị quan nhà Nguyễn làm sớ tâu lên đòi xử tử vì tội khinh quân, chẳng ngờ vua Khải Định phê vào sớ “Nghĩ cũng kỳ”. Năm ấy nhân vợ đẻ, ông đặt tên con là Nguyễn Kỳ.

THIÊN GIA TRANG