Căn bếp của ngoại
Chúng tôi luôn trân trọng căn bếp của ngoại như một món quà vô giá.
Đó là một thế giới thu nhỏ của bà ngoại, chật hẹp, thân thuộc mà chứa bao nhiêu thứ thân thương. Ngoại để nồi niêu, xoong chảo, rổ rá... lại treo cả hành tỏi. Nhiều thứ bám đầy bồ hóng, nhìn có vẻ đen và bẩn nhưng ngoại không chịu bỏ đi, không muốn thay đổi. Không phải vì ngoại không có điều kiện mà bởi căn bếp nhỏ đó chứa cả bầu trời ký ức...
Nhà ngoại giờ đã khác bởi cậu Phương đã quyết định xây căn biệt thự hai tầng rất hiện đại, thuê cả kiến trúc sư thiết kế. Gian bếp được bày biện nội thất đẹp sáng loáng cả lên. Bếp điện, bếp hồng ngoại vô cùng tiện lợi, sạch sẽ. Cậu muốn phá căn bếp lợp ngói lụp xụp của ngoại nhưng ngoại nhất quyết không đồng ý. Ngoại bảo đó là căn bếp yêu thương, ấm áp của ngoại. Mỗi ngày ngoại phải nhìn thấy ngọn lửa bùng lên khi đun nước, nấu cháo, luộc khoai... thì ngoại mới thấy vui lòng. Mặc khói bếp cay xè mắt mũi vì rạ rơm, củi đun có khi còn ẩm nhưng ngoại nhớ mùi khói, nhớ những năm tháng nghèo khó. Những ngày giá lạnh, ngồi bên bếp lửa, ngoại thấy hai chân bớt tê buốt nên quên đi bệnh thấp khớp hành hạ.
Mỗi khi nhà tôi về chơi, mẹ lại sà vào bếp ngồi bên cạnh ngoại để ôn lại chuyện xưa. Mẹ kể cho tôi nghe về căn bếp ăm ắp kỷ niệm thời thơ ấu của mẹ. Mẹ nhớ những ngày mùa hè nắng nóng, đi học về phải vào bếp nấu một nồi cám to đùng cho lợn ăn. Nấu xong, ra khỏi bếp, máu cam chảy ròng ròng. Mùa đông, ai cũng thích vào bếp để được sưởi ấm, được nướng ngô, nướng khoai ăn vụng nhọ nhem cả mặt mũi. Thích nhất là những dịp Tết đến, xuân về, cả nhà quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng và nghe ông bà kể chuyện “ngày xưa”.
Những năm gần đây, ngoại có tuổi, chân yếu, mắt kém nhưng mỗi dịp Tết, ngoại vẫn muốn tự tay gói bánh chưng, luộc bánh rồi chia cho con cháu. Cậu Phương hay gàn: “Giờ có ai thèm bánh chưng đâu, muốn ăn thì người ta ship đến tận nhà, quanh năm đều có. Thôi, mẹ đừng gói làm gì nữa cho mệt”. Nhưng ngoại không nghe, ngoại bảo: “Không gói bánh chưng thì còn gì là không khí Tết. Phải cho các cháu biết được truyền thống văn hóa mà giữ gìn và phát huy chứ. Đúng là thời nay cái gì cũng có nhưng tự làm vẫn thích hơn con ạ! Chúng bay cứ kệ bà già này”. Ngoại nói là làm. Ngoại còn dạy tôi cách rửa lá dong, cắt sống lá, cách gói bánh chưng không cần khuôn mà vẫn vuông vức, đẹp mắt. Không chỉ có dịp Tết đâu, mà căn bếp của ngoại luôn trở thành nơi đoàn tụ của mấy anh chị em xa nhau lâu ngày. Quanh năm bận rộn với bài vở, trường lớp, chỉ khi nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ lễ thì chúng tôi mới được dịp quây quần về với ngoại.
Căn bếp nhỏ của ngoại được cậu Phương sửa sang ngày càng sạch sẽ, được lát gạch đỏ, đồ dùng được cho vào từng ngăn, từng hộp, vừa ngăn nắp vừa phòng hỏa hoạn. Nghe trong bếp rộn rã tiếng cười là ngoại biết các cháu vừa trông bếp vừa chơi trò “bôi hề” hoặc nướng ngô, nướng khoai ăn vụng rồi cười rúc rích. Chính từ căn bếp nhỏ của ngoại mà anh chị em chúng tôi gắn kết hơn, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện ở trường, ở lớp, ở khu phố của mình...
Mỗi ngày ngoại một già đi, ngoại chỉ mong con cháu quây quần sum họp đông vui. Còn chúng tôi ngày càng lớn hơn, biết quan tâm đến ngoại hơn nhưng thời gian dành để về thăm ngoại cũng dần ít đi. Vì vậy, hễ có dịp về quê là tôi lại theo mẹ về hoặc tự đạp xe một mình. Ngoại thích ngồi đun nước, ninh cháo hay luộc ngô, luộc khoai trong căn bếp nhỏ ấm áp, khét nồng mùi củi, mùi rạ, mùi rơm, mùi lá khô hơn là đứng nấu ở bếp điện. Còn mẹ tôi, mợ tôi và chị em chúng tôi vốn đã quen với những tiện nghi hiện đại thì căn bếp “cổ lỗ” của ngoại chỉ là ký ức của một thời gian khó, đầy nhọc nhằn nhưng cũng chan chứa yêu thương. Bởi vậy, chúng tôi luôn trân trọng căn bếp của ngoại, như một món quà vô giá.