Liều thuốc tình yêu từ những câu chuyện có thật
Ngay cả khi bạo bệnh, tình yêu vẫn có vai trò vô cùng to lớn, như một liều thuốc tinh thần đưa chúng ta vượt qua bệnh tật.
Mới đây, câu chuyện đám cưới đặc biệt của cặp đôi trên giường bệnh đã khiến nhiều người xúc động. Đáng mừng hơn bởi sau đó chú rể đã hồi phục ngoạn mục, trở về bên gia đình.
Nhiều người vẫn nói tình yêu và suy nghĩ lạc quan sẽ giúp chúng ta vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống. Và ngay cả khi bạo bệnh, tình yêu ấy vẫn có vai trò vô cùng to lớn, đưa chúng ta vượt qua bệnh tật.
Nhiều gia đình khi thấy người thân trong tình trạng quá nặng cũng buông xuôi. Nhưng cũng có gia đình cố gắng đến giây phút cuối cùng. Như trường hợp chú rể H., sự quyết tâm của gia đình đã tiếp thêm động lực cho các y bác sĩ chúng tôi có thêm động lực giành lại sự sống cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thành Đô
Sức mạnh của tình yêu
Trước đám cưới một tuần, anh H. (32 tuổi, ngụ ở tỉnh Lạng Sơn) bất ngờ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Khi ấy, bác sĩ nói anh H. đã sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, tiên lượng tử vong rất cao.
Trong quá trình điều trị, đã có lúc anh H. tưởng chừng không qua khỏi, các bác sĩ đã cố gắng với hy vọng "còn nước, còn tát".
Bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, kể lại những ngày nằm viện cha mẹ bệnh nhân thức trắng đêm lặng lẽ chăm sóc con, còn chị N.A. (vợ sắp cưới của anh H.) luôn túc trực chăm sóc chồng sắp cưới bên giường bệnh.
Khi biết dự kiến ngày 22/3 diễn ra lễ thành hôn của anh H., các y, bác sĩ đã quyết định tổ chức đám cưới nhỏ ngay tại bệnh viện để bệnh nhân và gia đình vui vẻ, có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.
"Có lẽ cũng vì được tiếp thêm động lực và sự chăm sóc không chỉ của các y bác sĩ mà của người nhà, người vợ mà anh H. đã tỉnh táo dần, hồi phục sức khỏe và đã được ra viện", bác sĩ Đô cho hay.
Bác sĩ Đô nói thêm nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã nói về hormone nội sinh khi con người ta cảm thấy hạnh phúc - dopamine. Dopamine giúp ích cho tim mạch, huyết áp và nhiều bộ phận trên cơ thể.
"Chúng tôi không có những nghiên cứu cụ thể, nhưng từ những trường hợp tôi từng điều trị, hay cụ thể là anh H. có thể thấy rõ tình yêu, sự quan tâm của gia đình và sự lạc quan của người bệnh đã giúp họ vượt qua bệnh tật thế nào", bác sĩ Đô nói.
Nắm chặt tay nhau vượt qua bệnh tật
Ngồi cạnh chồng trong lần khám sức khỏe định kỳ, bà Đặng Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1942, ngụ ở Hà Nội) nắm lấy tay chồng cười nói: "Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của chồng lúc ấy. 'Thôi em cố gắng chữa bệnh để sống với anh và con'. Đó là câu nói động viên khiến tôi càng có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật".
Bà Nguyệt kể 26 năm trước, cũng là ngày cả hai cùng chuẩn bị nghỉ hưu, tưởng chừng cuộc sống về già an nhàn bên con cháu thì bệnh tật ập đến. Bà được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng.
"Tôi nghĩ ngay mắc ung thư coi như là án tử. Lúc đó, tôi hoang mang lắm", bà Nguyệt kể lại.
Ông Phan Sĩ Liên (chồng bà Nguyệt) ngồi cạnh nói thêm lúc ấy ông cũng rất hoang mang, lúc ấy ung thư vẫn là cái gì đó rất kinh khủng. Nhưng để động viên vợ, ông nói với bà cố gắng vượt qua vì bác sĩ nói bệnh có thể chữa khỏi được.
Cũng từ đó, một tay người chồng chăm sóc vợ suốt thời gian điều trị, cùng bà "sống chung" với căn bệnh ung thư suốt 26 năm.
Bác sĩ Đoàn Hữu Nghị (nguyên bác sĩ Bệnh viện K - người điều trị cho bà Nguyệt) chia sẻ cách đây 26 năm, bà Nguyệt được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng ở giai đoạn không sớm, đã có di căn và có chỉ định phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tia xạ hóa chất và đáp ứng thuốc tốt.
"Có lẽ nhờ tinh thần lạc quan và sự chăm sóc chu đáo của chồng mà bệnh nhân vượt qua bạo bệnh và có thể sống khỏe mạnh suốt những năm qua", bác sĩ Nghị nói.
Chia sẻ tinh thần quan trọng thế nào khi mắc bạo bệnh, bác sĩ Hà Ngọc Cường (chuyên khoa thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho hay đến nay trong y văn đã có nhiều nghiên cứu cho thấy những người có tinh thần lạc quan, vui vẻ có thể vượt qua khó khăn, biến cố nhẹ nhàng hơn.
"Một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy những bệnh nhân ung thư có suy nghĩ tích cực, lạc quan, chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận điều trị sẽ có kết quả điều trị tốt hơn so với những bệnh nhân có suy nghĩ tiêu cực, bi quan, trầm cảm", bác sĩ Cường chia sẻ.