Ai sẽ thay thế lãnh đạo Haiti sau khi Thủ tướng Henry từ chức?
Hội đồng chuyển tiếp mới thành lập sẽ bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và một nội các, cùng ký các sắc lệnh và thành lập một hội đồng bầu cử lâm thời có nhiệm vụ mở đường cho cuộc bầu cử đầu tiên của Haiti kể từ năm 2016.
Theo hãng tin AFP, sáng 12/3 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM) Irfaan Ali xác nhận Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã từ chức với tư cách là người đứng đầu chính phủ của quốc gia Caribe. Sau động thái này, Haiti sẽ thành lập một hội đồng chuyển tiếp, thực thi các quyền hạn cụ thể của tổng thống thông qua việc bỏ phiếu.
Theo một quan chức Mỹ, ông Ariel Henry đã ở Puerto Rico - vùng lãnh thổ của Mỹ - vào ngày 11/3, do không thể quay trở lại Haiti sau chuyến thăm Kenya nhằm tìm kiếm hỗ trợ khi đợt bạo lực mới đây bùng phát.
Thông báo từ chức của Thủ tướng Henry được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo khu vực tiến hành một cuộc họp khẩn tại Jamaica để thảo luận giải pháp tháo gỡ tình hình bất ổn tại quốc đảo. Ngoài lãnh đạo các quốc gia CARICOM, cuộc họp còn có sự tham dự của đặc phái viên đến từ Mỹ, Pháp, Canada và Liên hợp quốc.
Một quan chức Mỹ cho biết quyết định từ chức của Henry được đưa ra vào ngày 8/3. Tuy nhiên, mãi đến tối 11/3, nhà lãnh đạo mới chính thức đệ trình quyết định này lên nội các và sau đó thông báo qua video gửi tới công chúng.
Sau khi Thủ tướng Henry tới Kenya vào cuối tháng 2 để kêu gọi lực lượng hỗ trợ cho sứ mệnh an ninh quốc tế nhằm trấn áp các băng nhóm vũ trang hùng mạnh của Haiti, bạo lực đã leo thang ở thủ đô. Các cuộc biểu tình lan rộng kêu gọi ông Henry từ chức. Ông lên nắm quyền kể từ khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.
Theo hãng tin nước ngoài, cuối ngày 8/3, tiếng súng dữ dội vang lên gần Cung điện Quốc gia thủ đô. Trước đó trong nhiều ngày, các băng nhóm vũ trang đã gây hỗn loạn, tạo cơ hội cho hàng nghìn tù nhân vượt ngục, buộc cảng hàng hóa chính của thủ đô đóng cửa và chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Đề cập tới hội đồng chuyển tiếp, Chủ tịch CARICOM nêu rõ hội đồng này bao gồm hai quan sát viên và bảy thành viên bỏ phiếu đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội Haiti. Dù chưa có cá nhân nào được nêu tên vào hội đồng, CARICOM nêu rõ hai vai trò quan sát viên không có quyền bỏ phiếu sẽ thuộc về một nhà lãnh đạo tôn giáo và một đại diện của xã hội dân sự Haiti. Bảy thành viên có quyền bỏ phiếu sẽ lấy từ lĩnh vực kinh doanh và các đảng phái hoặc liên minh chính trị của Haiti, bao gồm đảng Fanmi Lavalas do cựu Tổng thống 70 tuổi Jean-Bertrand Aristide lãnh đạo, đảng Pitit Dessalines do cựu Thượng nghị sĩ Jean-Charles Moise lãnh đạo và đảng Cam kết Phát triển (EDE) của cựu Thủ tướng Claude Joseph.
Hội đồng trên sẽ bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và một nội các, cùng nhau ký các sắc lệnh và thành lập một hội đồng bầu cử lâm thời có nhiệm vụ mở đường cho cuộc bầu cử đầu tiên của Haiti kể từ năm 2016.
Bất kỳ ai bị kết án, buộc tội hoặc nằm trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc, cũng như bất kỳ ai phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc triển khai lực lượng an ninh đến Haiti hoặc có ý định tranh cử trong các cuộc bầu cử tiếp theo sẽ bị cấm tư cách thành viên trong hội đồng.
CARICOM chưa đưa ra ngày cụ thể về việc thành lập hội đồng chuyển tiếp cũng như hội đồng bầu cử, mặc cho các nhà lãnh đạo khu vực hối thúc an ninh phải được thiết lập trước cuộc bỏ phiếu.