Xe tăng đắt giá của phương Tây thất thế trên chiến trường Ukraine
Quyết định chuyển giao xe tăng giá trị cao cho Ukraine có thể là sai lầm của phương Tây, do loại khí tài này không chứng tỏ được hiệu quả trên chiến trường.
Lữ đoàn Xung kích Đường không số 79 của Ukraine ngày 19/3 đăng video giao tranh gần thành phố Avdeevka tại tỉnh miền đông Donetsk. Trong video, một chiếc xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ chuyển giao cho Ukraine đang nằm bất động giữa cánh đồng thì bị trúng đòn tập kích từ phía sau, có thể là bằng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát của Nga.
Ba trong số 4 thành viên tổ lái vội lao ra ngoài, trong lúc khoang chứa đạn ở phía sau xe bắt đầu bắt lửa rồi liên tục phát nổ. Chỉ sau khoảng 30 giây, chiếc xe tăng đã bốc cháy dữ dội, dường như sắp bị phá hủy hoàn toàn. Không rõ số phận của thành viên còn lại trong kíp lái.
"Hình ảnh xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại chuẩn NATO bị drone FPV giá rẻ tập kích, sau đó bốc cháy và trở thành đống sắt vụn trị giá hàng triệu USD đã trở nên quen thuộc trong cuộc xung đột", tờ Kyiv Post của Ukraine bình luận.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia an ninh phương Tây đã tranh luận trong nhiều tháng về khả năng chuyển giao xe tăng hiện đại cho Ukraine, do lo ngại Kiev có thể không đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng các khí tài phức tạp như vậy.
Họ cũng lo ngại kịch bản phòng tuyến Ukraine sụp đổ và để xe tăng của NATO rơi vào tay Nga, hay sợ Moskva có hành động leo thang nhằm đáp trả việc phương Tây chuyển giao vũ khí tiên tiến cho Kiev. Tuy nhiên, dưới sự thúc ép của Ukraine, Mỹ và đồng minh vẫn quyết định chuyển giao những chiếc xe tăng chuẩn NATO đầu tiên cho Kiev từ tháng 3/2023.
Tổng cộng 120-130 xe tăng phương Tây đã được cung cấp cho Ukraine từ đầu chiến sự, được kỳ vọng sẽ trở thành mũi xung kích chủ lực giúp Kiev xuyên thủ phòng tuyến của Moskva.
Ukraine tung xe tăng phương Tây vào "thử lửa" lần đầu tiên hồi tháng 6, song kết quả không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Những cỗ xe tăng to lớn, nặng nề đã không vượt qua được bãi mìn dày đặc của Nga và liên tiếp bị phá hủy dưới làn hỏa lực pháo binh, không quân đối phương.
Thống kê nguồn mở cho thấy tính đến tháng 10/2023, Ukraine đã mất hơn 10 xe tăng chủ lực Leopard 2A6 và ít nhất một chiếc Challenger 2 mà không thu được bất kỳ lợi ích gì trên chiến trường.
Hiện tại, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng xe tăng đắt tiền của phương Tây, như dòng Leopard 2, làm bệ pháo di động để bắn phá lực lượng Nga từ xa, thay vì dùng làm mũi xung kích trên tiền tuyến.
Mike Riedmuller, cựu chỉ huy xe tăng Abrams của Mỹ trong cuộc xung đột tại Iraq, nhận định một trong các nguyên nhân khiến xe tăng phương Tây không đáp ứng được kỳ vọng tại Ukraine là do mối đe dọa từ drone FPV, loại khí tài giá rẻ đang xuất hiện dày đặc trên chiến trường.
Bất cứ xe tăng nào tới gần tiền tuyến đều sẽ ngay lập tức bị hàng đàn drone FPV tập kích vào những vị trí hiểm yếu nhất, trong đó bánh xích là vị trí dễ bị tấn công đầu tiên, khiến nó mất khả năng di chuyển.
"Trong xung đột hiện nay, khi một chiếc xe tăng, thiết giáp bị vô hiệu hóa khả năng di chuyển, một đàn drone giá rẻ sẽ xuất hiện để thả đạn và phá hủy nó hoàn toàn, không cần tới pháo binh", Riedmuller nói.
Kyiv Post cho biết trong ít nhất 5 trong tổng số 31 chiếc xe tăng Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine đã bị phá hủy, kể từ khi khí tài này lần đầu thực chiến hồi tháng 2. Trong đó, ít nhất ba chiếc đã bốc cháy do liên tiếp bị drone FPV tấn công ở mặt trận Avdeevka.
Xe tăng Challenger 2 của Anh được một số binh sĩ Ukraine khen ngợi về tính công thái học, cũng như về kính ngắm và khẩu pháo có độ chính xác cao. Cả hai phe tại Ukraine cũng công nhận đây là một trong những xe tăng hiện đại nhất trên chiến trường, với khả năng đấu tay đôi hàng đầu.
Tuy nhiên, các cuộc đấu một chọi một giữa xe tăng rất hiếm khi xuất hiện trên chiến trường Ukraine, khiến Challenger 2 không có mấy đất dụng võ.
Do đó, các phụ kiện hiện đại giúp Challenger 2 chiếm ưu thế trong các trận chiến tay đôi, như hệ thống quang học, kính ngắm ảnh nhiệt, cảm biến gió hay pháo chính có khả năng khai hỏa đạn xuyên giáp uranium nghèo, chỉ còn là vật trang trí và chỉ khiến chiếc xe trở nên nặng nề hơn, theo một số kíp lái Ukraine.
"Các cuộc đối đầu giữa xe tăng với xe tăng luôn xảy ra ít hơn rất nhiều so với những gì mà nhiều người tưởng tượng", Simon Johnson, người từng lái thiết giáp trong quân đội Anh, cho hay. "Tôi nghĩ rằng các lãnh đạo phương Tây đã mắc sai lầm khi chuyển giao cho Ukraine quá ít xe tăng được thiết kế để xuyên phá phòng tuyến đối phương".
Tất cả xe tăng Challenger 2 Anh chuyển giao cho Ukraine đều được biên chế cho Lữ đoàn Xung kích Đường không số 82. Các kíp vận hành nhận định mẫu xe có trọng lượng 64 tấn này quá nặng để băng qua phần lớn các cây cầu ở Ukraine, dễ bị mắc kẹt khi đi trên đường đất mềm và thiếu linh kiện thay thế.
Xe tăng Leopard 2 có trọng lượng tương đương Challenger 2, trong khi dòng Abrams thậm chí còn nặng hơn 5 tấn.
Quân đội Ukraine mất xe tăng Challenger 2 đầu tiên tại mặt trận Rabotino hồi tháng 9/2023. Chiếc xe tăng được cho là đã bị trúng đạn pháo và mất khả năng di chuyển, trước khi bị kết liễu bởi tên lửa chống tăng (ATGM) của lực lượng Nga.
Các binh sĩ Ukraine tiết lộ rằng chỉ 7 trong 14 xe tăng Challenger 2 mà nước này nhận từ Anh còn khả năng chiến đấu. Trong 7 chiếc còn lại, một xe bị quân đội Nga phá hủy hồi tháng 9/2023, một chiếc dành để huấn luyện ở hậu phương, 5 xe hư hỏng nhưng chưa có phụ tùng thay thế.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tháng 9/2023 cho biết nước này không có kế hoạch chuyển giao thêm xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.
Dù vậy, Challenger 2 không phải là xe tăng NATO phổ biến nhất hiện nay ở Ukraine, mà là dòng Leopard 2. Chúng phần lớn là mẫu từ thời Chiến tranh Lạnh, được sản xuất vào đầu những năm 1990 với giá khoảng 6 triệu USD mỗi chiếc vào thời điểm đó.
Theo báo cáo tổng hợp của Oryx, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Hà Lan, phương Tây đã chuyển giao cho Ukraine tổng cộng 82 xe tăng Leopard 2, trong đó Đức và Ba Lan lần lượt cung cấp 18 chiếc và 12 chiếc.
Phía Ukraine đánh giá xe tăng Leopard 2 có lớp giáp kiên cố, hỏa lực mạnh mẽ, hệ thống quang học hiện đại và tính công thái học cao, tương tự dòng Challenger 2.
Điểm hạn chế của xe tăng này là trọng lượng lớn gây khó khăn cho việc di chuyển, cũng như chi phí sửa chữa, bảo trì cao vì nó đã có tuổi đời hàng thập kỷ. Ba Lan và Đức đang tranh cãi về việc xác định xe tăng Leopard 2 của Ukraine sẽ được đại tu ở đâu và bởi ai, do lo ngại vấn đề chi phí.
Trong lần thực chiến lớn đầu tiên tại tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 6 năm ngoái, các xe tăng Leopard 2 của Ukraine đã mất khả năng di chuyển do hệ thống bánh xích bị trúng mìn và tên lửa của lực lượng Nga. Chúng sau đó bị phá hủy hoàn toàn bởi đạn pháo hoặc trực thăng chiến đấu của đối phương.
Theo các chuyên gia về thiết giáp, dù xung đột tại Ukraine đã chứng minh rằng xe tăng chiến đấu chủ lực không còn hữu dụng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, loại khí tài này vẫn có một số công dụng nhất định.
Hầu hết cho rằng nguyên nhân khiến Ukraine thất bại khi áp dụng chiến thuật xung kích hiệp đồng kiểu NATO hồi đầu chiến dịch phản công năm ngoái là do chưa được huấn luyện bài bản, chứ không phải là do xe tăng đã lỗi thời.
"Đúng là xe tăng có điểm yếu ở hệ thống bánh xích, song luôn có cuộc chạy đua giữa vũ khí tấn công và lá chắn phòng thủ cho xe tăng. Khi một bên chiếm ưu thế thì bên đó sẽ chiến thắng. Nếu bạn không có xe tăng mà bên kia lại có, bạn sẽ là người gặp bất lợi", Ian Healy, cựu xạ thủ trên xe tăng Challenger 2, nói.
Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt là kiểu chiến trường mà xe tăng được thiết kế để chiến đấu và sinh tồn khác rất nhiều so với thực tế mà chúng đang phải đối mặt ở Ukraine.
"Đạn, drone, thiết giáp Bradley và CV-90, pháo hay bất cứ thứ gì khác đều đáng để chi tiền hơn là xe tăng. Đó là điều hiển nhiên vào thời điểm hiện tại, song ngay cả trước đó cũng không phải quá khó để nhìn ra. Phương Tây đáng lẽ đã phải nhận thấy điều này", Riedmuller nhận định.