Giải mã việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu mới nổi
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài về công nghệ và hậu cần cũng như về sản xuất khí tài quân sự.
Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự phát triển nhanh chóng và các sản phẩm quốc phòng của nước này nhiều lần chứng tỏ được năng lực thực chiến. Máy bay không người lái Bayraktar TB2 – sản phẩm của nhà sản xuất Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ – đã được xuất khẩu sang nhiều nước.
Ở Ukraine, Bayraktar TB2 đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột với Nga. Ở Nagorny-Karabakh, Bayraktar TB2 là vũ khí “thay đổi cuộc chơi” có lợi cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia.
Nhưng máy bay không người lái chỉ là dấu hiệu rõ ràng nhất về một kỷ nguyên mới trong chính sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này xác định phát triển hệ sinh thái phức hợp công nghiệp-quốc phòng nhằm mục đích định vị mình là một “quốc gia công nghệ quân sự”.
Cùng với đó, chính sách quốc phòng và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được đặc trưng bởi mục tiêu đạt được quyền tự chủ. Nước này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài về công nghệ và hậu cần cũng như về sản xuất khí tài quân sự. Nói cách khác, Ankara đang tập trung vào năng lực sản xuất trong nước đồng thời cắt giảm hoạt động mua sắm từ nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang được hỗ trợ về mặt thể chế, kết nối mạng lưới chuỗi cung ứng và mở rộng khả năng nghiên cứu theo sự chỉ đạo của chính phủ.
Các dự án vũ khí như phát triển hệ thống máy bay không người lái TB2, trực thăng Atak, xe tăng Altay, máy bay không người lái tàng hình Anka-3 và máy bay chiến đấu tàng hình KAAN đều chứng minh rằng Ankara đang theo đuổi ba ưu tiên chiến lược quốc phòng và an ninh. Ưu tiên hàng đầu đó là ngày càng trở nên độc lập hơn với các nhà cung cấp quốc tế.
Thứ hai là thúc đẩy một cách có hệ thống và hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ thông qua hợp tác với các “khu công nghệ”, các công ty khởi nghiệp và trường đại học. Ưu tiên thứ ba là tăng cường khả năng xuất khẩu các hệ thống vũ khí khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tỷ lệ sản xuất nội địa tăng lên, số lượng nhập khẩu sẽ giảm.
Do đó, chính sách quốc phòng hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên mục tiêu chính là phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí mang nhãn hiệu “Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Các dự án vũ khí ở Thổ Nhĩ Kỳ được phát triển và sản xuất theo hợp đồng với Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB) thuộc sở hữu nhà nước. Cơ quan này được thành lập vào năm 1985 với nhiệm vụ cung cấp nguồn tài chính đáng kể để đầu tư vào việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Vì những nguồn lực này không nằm trong ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng nên chúng có thể được sử dụng như một quỹ có mục đích đặc biệt.
Quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ thành một tổ hợp công nghiệp quân sự tập trung vào sản xuất trong nước đã bắt đầu từ vài thập kỷ trước. Các biện pháp trừng phạt và cấm vận do các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ áp đặt, góp phần kích hoạt quá trình chuyển đổi này.
Sau sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Síp, Quốc hội Mỹ đã thiết lập lệnh cấm vận vũ khí kéo dài từ năm 1975 đến năm 1978. Tiếp theo là những hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu quân sự do các thành viên NATO khác áp đặt - ví dụ, Đức dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl vào năm 1992.
Gần đây hơn, vào cuối năm 2020, chính quyền Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với SSB liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Những biện pháp này có tác động sâu rộng đối với không quân Thổ Nhĩ Kỳ khi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi việc tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35 của NATO.
Việc cắt giảm hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO đã buộc Ankara phải điều chỉnh lại ngành công nghiệp quốc phòng của mình, đặc biệt là bằng cách tập trung cả nguồn lực tài chính và ý chí chính trị vào việc nâng cấp năng lực sản xuất trong nước.
Trọng tâm của chiến lược này là thúc đẩy ngành hàng không quân sự - tức là phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV) và máy bay trực thăng. Cùng với đó, sự chuyển đổi của ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tốc kết hợp với việc gia tăng chi tiêu cho quốc phòng. Năm 2001, chi tiêu quốc phòng của nước này là 7,22 tỷ USD. Gần hai thập kỷ sau, vào năm 2019, con số đó ở mức 20,44 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt 40 tỷ USD vào năm 2024, đây sẽ là mức cao kỷ lục và tăng 150% so với năm 2023.
Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm qua đi đôi với tỷ trọng ngày càng tăng của năng lực sản xuất trong nước. Theo số liệu của chính phủ nước này, các linh kiện liên quan đến lĩnh vực quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất chiếm 80% tổng sản lượng quốc phòng vào năm 2023. Một năm trước đó, tỷ lệ đó là 73%.
Việc tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất nội địa trong lĩnh vực này được phản ánh qua sự gia tăng nhanh chóng lực lượng lao động trong khu liên hợp công nghiệp quân sự. Năm 2016, tổng cộng có hơn 35.500 người được tuyển dụng trong lĩnh vực này. Ba năm sau, số lượng đã tăng lên hơn 73.770 lao động và đến cuối năm 2022, có khoảng 81.130 người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp quốc phòng, ưu tiên hàng đầu của họ là tuyển dụng các kỹ sư chuyên ngành, nhà phát triển phần mềm và chuyên gia đã tốt nghiệp từ các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nước ngoài. Trong thập kỷ qua, hệ sinh thái phát triển nhân tài với các công ty công nghiệp quân sự, các cụm đổi mới và viện nghiên cứu tập trung vào sản xuất quân sự đã được kết nối một cách có hệ thống.
Để các nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ có lợi nhuận, điều cần thiết là họ phải tăng khả năng xuất khẩu và tiếp cận các thị trường mới. Một thập kỷ trước, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ là 1,9 tỷ USD. Vào năm 2022, con số đó đã tăng lên 4,4 tỷ USD và một năm sau, kỷ lục 5,5 tỷ USD đã đạt được – tăng 27% so với năm trước.
Sự gia tăng năng lực xuất khẩu này là kết quả của việc mở ra các thị trường mới trên khắp thế giới. Mô hình kinh doanh của các công ty như Baykar, TAI, Roketsan, STM và Aselsan ngày càng dựa trên việc bán sản phẩm và dịch vụ cho các quốc gia từng không có sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ một thập kỷ trước. Đặc biệt, ngành công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã thâm nhập vào cả lục địa châu Phi, châu Á và gần đây hơn là ở các quốc gia vùng Vịnh.