Cần làm gì khi tiền gửi ngân hàng bỗng biến mất?
Từ vụ việc khách hàng bỗng dưng mất 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB, nhiều người đặt ra câu hỏi khách hàng cần làm gì khi tiền gửi ngân hàng bỗng dưng biến mất?
Tại cuộc họp báo UBND TP Hà Nội chiều 28/3, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về vụ khách hàng bỗng dưng mất 58 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).
Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra, bước đầu công an xác định bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB với tổng số tiền 338 tỷ đồng.
Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về quyền lợi người gửi tiền, ai là bị hại của vụ việc, khách hàng cần làm gì khi tiền gửi ngân hàng bỗng dưng biến mất.
Cần xác định ai là bị hại trong vụ khách hàng mất tiền tại Ngân hàng MSB
Ngày 29/3, trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Law Firm) cho rằng theo như thông tin từ cơ quan điều tra thì khách hàng giao dịch trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng và giao dịch với cán bộ của ngân hàng.
Số tiền khách hàng gửi sau đó bị mất.
Do đó, luật sư cho rằng vụ việc này cũng có thể xem xét dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản hoặc tội tham ô, người bị hại ở đây phải là ngân hàng chứ không phải khách hàng.
Luật sư Tú cho biết dưới góc độ pháp luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phải được hiểu là một hợp đồng cho vay tài sản.
Do đó, khi tiền được gửi vào ngân hàng, ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó.
Trong pháp luật dân sự, tiền có một đặc điểm đó là khi chuyển giao tiền luôn đi kèm với việc chuyển giao quyền sở hữu, do đó, bên bị thiệt hại trong trường hợp này phải là ngân hàng.
"Trong tình huống này, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng mà không cần thông qua tòa án", luật sư Tú nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng trong trường hợp ngân hàng được xác định là bị hại, người phạm tội chiếm đoạt tiền, thì rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng.
Còn trường hợp xác định khách hàng, người gửi tiền vào ngân hàng là bị hại, người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù và không có khả năng hoàn trả tài sản thì rủi ro sẽ thuộc về khách hàng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật TNHH Fanci (Đoàn Luật sư Hà Nội), cũng cho rằng trường hợp khách hàng đã gửi tiền vào ngân hàng (đã có xác nhận nhận tiền) thì ngân hàng phải có trách nhiệm đối với khoản tiền này như quản lý, trả lại tiền, bồi thường nếu gây thiệt hại…
"Giả sử đang trong thời gian ngân hàng quản lý tiền mà nữ giám đốc MSB đã giả chữ ký khách hàng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút tiền thì có thể khẳng định ngân hàng chính là bị hại. Còn khách hàng chỉ là người liên quan trong vụ án", luật sư Hải nêu quan điểm.
Trường hợp khách hàng có hành động rút tiền ra, tức là ngân hàng không quản lý khoản tiền này nữa thì khách hàng phải tự chịu trách nhiệm.
Nếu khách hàng có hành động gửi lại tiền vào Ngân hàng MSB nhưng dưới sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng đang có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tiền của khách hàng thì phải xác định những cán bộ ngân hàng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tiếp từ khách hàng và khách hàng chính là bị hại.
Khách hàng cần làm gì khi tiền gửi "bỗng dưng biến mất"?
Luật sư Tú cho hay, trước hết, khách hàng cần giữ bình tĩnh và thu thập đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch với ngân hàng.
Tiếp theo, khách hàng nên thu thập chứng cứ để khởi kiện vụ án dân sự, đòi lại số tiền từ ngân hàng. Vì quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng thường được xem xét như một giao dịch dân sự về việc nhận tiền gửi.
"Cần phải phân biệt rõ ràng hai quan hệ pháp lý: nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng, đó sẽ là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ đó trước pháp luật. Điều này độc lập với quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền", luật sư nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, đối với những người dân định thực hiện thủ tục gửi tiền tại ngân hàng, nên tránh giao dịch ngoài trụ sở mà nên đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Trong quá trình nộp tiền, khách hàng cần chú ý ghi đầy đủ thông tin và số liệu vào các tài liệu, chỉ nhận lại chứng từ khi có chữ ký của nhân viên giao dịch và dấu xác nhận của ngân hàng.
Ngoài ra, người dân nên chọn các ngân hàng uy tín trong hệ thống và tránh những tiền lệ thất thoát tiền gửi.
Đối với khách hàng đã có tiền gửi tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tăng cường ý thức về an ninh và bảo mật thông tin, tuân thủ quy trình giao dịch với ngân hàng.
Khách hàng cũng cần tránh truy cập các đường link không rõ nguồn gốc có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản, nên đăng ký biến động số dư qua tin nhắn SMS, kiểm tra thường xuyên số dư tài khoản...
Còn luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo để giảm thiểu những vụ án như trên thì cần bảo mật thông tin khách hàng. Tăng cường cơ chế kiểm soát trong hệ thống cán bộ nhân viên ngân hàng là điều hết sức cần thiết.