Sri Lanka tìm cách xin hoãn trả nợ nước ngoài đến năm 2028
Ngày 6/3, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết ông đang tìm cách xin hoãn nợ nước ngoài đến năm 2028 sau khi chính phủ nước này vỡ nợ trong cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có cách đây 2 năm.
Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Wickremesinghe nêu rõ, Sri Lanka vẫn đang đàm phán với các chủ nợ song phương và tư nhân để có thể tái cấu trúc hàng tỷ USD gồm các khoản vay và trái phiếu. Nhà lãnh đạo này cho biết chính phủ dự định đảm bảo được các khoản cứu trợ tạm thời khi không phải trả các khoản nợ cho đến cuối tháng 12/2027.
Dự trữ ngoại hối sụt giảm khiến Sri Lanka không có đủ khả năng chi trả các đơn hàng nhập khẩu, từ đó quốc đảo này lâm vào tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trong nhiều tháng. Hàng loạt cuộc biểu tình đã buộc tổng thống khi đó là Gotabaya Rajapaksa phải từ chức vào năm 2022. Kể từ đó, Sri Lanka đã đăng ký nhận gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nỗ lực khắc phục vấn đề tài chính công sau khi chính phủ vỡ nợ vào tháng 4 cùng năm.
Theo số liệu từ ngân hàng trung ương, nợ nước ngoài của Sri Lanka là 52,65 tỷ USD vào cuối tháng 9/2023. Để tiếp tục nhận được chương trình cứu trợ của IMF, quốc đảo Nam Á phải đạt được thỏa thuận chắc chắn với các chủ nợ nước ngoài, gồm cả các trái chủ song phương và trái chủ tư nhân trước đợt đánh giá tiếp theo của IMF về nền kinh tế này vào tháng 6 năm nay. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, IMF đã công bố gói cứu trợ thứ hai trị giá 337 triệu USD sau khi Colombo đạt được thỏa thuận nợ "về nguyên tắc" với Trung Quốc. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cho biết họ muốn thỏa thuận "về nguyên tắc" nói trên được củng cố trước đợt xem xét tiếp theo.