Bình luận

Lý do Nga tiếp tục tạo được "tiếng vang" ở Trung Á

HQ (tổng hợp) 05/03/2024 21:05

Bất chấp nỗ lực ngoại giao con thoi của phương Tây ở Trung Á nhằm cô lập Nga, khu vực này vẫn coi trọng mối quan hệ với Moskva vì một số lý do đặc biệt.

Chú thích ảnh
Các chính sách của Moskva nhằm mục đích "phục hưng" quan hệ giữa Trung Á với Nga, dựa trên uy tín của Tổng thống Putin

Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ MK Bhadrakumar nhận định mới đây rằng ưu thế của Nga, đặc biệt là chiến thắng ngoạn mục của các lực lượng nước này ở Avdeevka và việc quân đội Ukraine buộc phải chuyển sang thế phòng thủ đã nâng cao uy tín của Moskva với tư cách là nhà cung cấp an ninh cho Trung Á, khi giới tinh hoa ở khu vực cho rằng Nga đã một mình "đẩy NATO vào thế khó".

Điều đó cũng diễn ra vào thời điểm mang tính quyết định vì nó bổ sung cho trạng thái bình thường mới ở Afghanistan, nhờ vào sự can dự ngoại giao hiệu quả của Nga với Taliban.

Vấn đề này cũng cho thấy rằng xu hướng tuyên truyền của truyền thông phương Tây - dựa trên những giả định sai lầm rằng ảnh hưởng của Nga ở Trung Á đang “suy giảm” (Trung tâm Wilson); rằng các quốc gia Trung Á đang “thoát ra khỏi cái bóng của Nga và khẳng định sự độc lập của mình theo những cách chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô sụp đổ" (Financial Times); rằng sau cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo Trung Á “có thể đang cân nhắc xem Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nắm quyền ở Nga trong bao lâu” (Radio Free Europe/Radio Liberty) - đang dần kết thúc.

Trên thực tế, hiệu quả kinh tế của khu vực vào năm 2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng là 4,8% và Nga đã góp phần vào câu chuyện thành công này. Xung đột ở Ukraine đã dẫn tới việc các công ty phương Tây rút lui khỏi thị trường Nga, tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy các công ty, vốn và công dân Nga chuyển hoạt động kinh doanh của họ sang khu vực Trung Á.

Các doanh nhân Trung Á đã không bỏ lỡ các cơ hội sinh lời để cung cấp hàng hóa và công nghệ (thậm chí của cả phương Tây) cho thị trường Nga, vốn phải tuân thủ rất chặt chẽ các biện pháp trừng phạt), đồng thời duy trì sự phụ thuộc lẫn nhau và hội nhập với thị trường Nga. Sự phục hồi của nền kinh tế Nga và mức tăng trưởng 3,6% GDP trong năm ngoái đã tạo cơ hội kinh doanh cho các nước Trung Á.

Các chính sách của Moskva nhằm mục đích "phục hưng" quan hệ giữa khu vực với Nga, dựa trên uy tín của ông Putin trong vai trò thực tế để duy trì động lực liên lạc với các lãnh đạo Trung Á ở cấp độ cá nhân, tận dụng tất cả các hình thức hợp tác song phương cũng như khu vực có sẵn. Cách tiếp cận của Nga tạo không gian cho các quốc gia trong khu vực áp dụng lập trường "trung lập" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc duyệt binh ngày 9/5 ở Moskva năm ngoái chứng kiến tất cả các lãnh đạo Trung Á tham dự tại Quảng trường Đỏ là một thông điệp chính trị rõ ràng nhất đối với Nga và đối với cá nhân Tổng thống Putin.

Trong suốt cả năm 2023, các quốc gia Trung Á là mục tiêu trong nỗ lực ngoại giao chưa từng có của phương Tây nhằm duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm khu vực này. Hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử theo thể thức "C5+1" lần lượt được chủ trì bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Washington và Berlin.

Nhưng Ngoại trưởng Kazakhstan đã nói với ông Blinken rằng Astana “không cảm thấy bất kỳ mối đe dọa hay rủi ro nào từ Nga”. Tuyên bố chung được đưa ra sau hai hội nghị thượng đỉnh "C5+1" thậm chí không đề cập đến Ukraine.

Điều thú vị là Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã chúc ông Putin thành công “trong mọi việc” trong khi người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhấn mạnh một cách đầy ẩn ý rằng “dưới sự lãnh đạo xuất sắc ông Putin, Nga đã đạt được những thành công đáng chú ý và ấn tượng và trên thực tế, những tuyên bố và hành động của nhà lãnh đạo Nga đang định hình chương trình nghị sự toàn cầu". Bình luận của Tổng thống Tokayev đặc biệt đáng chú ý, vì các nhà phân tích phương Tây đã coi ông là một nhân vật đang có xu hướng rời xa Nga.

Một điểm đáng lưu ý khi xét đến mối quan hệ an ninh của Nga với khu vực Trung Á: Với những nỗ lực phối hợp của Moskva nhằm củng cố mối quan hệ với Taliban gần đây đã giúp làm giảm nguy cơ về mối đe dọa liên quan đến Afghanistan ở khu vực Trung Á.

Nếu mô hình truyền thống để giải quyết nguy cơ về mối đe dọa là sử dụng các biện pháp quân sự và bằng cách cô lập Afghanistan với khu vực, thì chính sách ngoại giao của Nga đã chuyển sang một cách tiếp cận hoàn toàn khác bằng cách hợp tác mang tính xây dựng với Taliban (mặc dù Taliban vẫn là một tổ chức bị cấm theo luật pháp Nga) và nỗ lực biến Afghanistan trở thành bên liên quan trong việc xây dựng quan hệ hợp tác vì lợi ích chung.

Moskva cho rằng sự cai trị của Taliban đã ổn định đáng kể tình hình Afghanistan và Nga có lợi khi giúp chính quyền Kabul chống lại các phần tử cực đoan ở nước này một cách hiệu quả (đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, được biết đến là di sản của sự chiếm đóng của Mỹ ở Afghanistan). Nga đã tận dụng ảnh hưởng của mình với các quốc gia Trung Á để đảm bảo rằng các lực lượng "kháng chiến" chống Taliban do phương Tây hậu thuẫn không còn nơi ẩn náu.

Quả thực, các nước Trung Á đã hoan nghênh sáng kiến ngoại giao đặc biệt này của Nga nhằm tăng cường an ninh và ổn định khu vực. Mức độ tin cậy của khu vực đối với những người Taliban cầm quyền đã đạt đến mức tại cuộc gặp với Tổng thống Putin gần đây, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã nêu ra đề xuất quan trọng về việc Uzbekistan và Nga tiến tới xây dựng một tuyến đường sắt mới qua Afghanistan kết nối Trung Á với các khu vực lân cận và thị trường thế giới.

HQ (tổng hợp)