Đề xuất Nhà nước không điều hành, doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu 15 ngày/lần
Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, với điểm mới nhất là cho các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá.
Dự thảo tờ trình về việc ban hành nghị định thay thế các nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương hoàn thiện để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thương nhân đầu mối tính toán và công bố giá?
Dự thảo này dự kiến sẽ thay thế cho ba nghị định về kinh doanh xăng dầu gồm nghị định 83/2014, nghị định 95/2021 và nghị định 80/2023.
Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo sửa đổi lần này là công thức và cơ chế giá xăng dầu. Theo quan điểm của Bộ Công thương, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.
Tuy nhiên, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cụ thể, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Giá bán xăng dầu sẽ được thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.
Công thức này bao gồm: Giá xăng dầu tối đa (là giá bán cao nhất do thương nhân đầu mối công bố), sẽ gồm: giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế.
Trong trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.
Vẫn duy trì quỹ bình ổn
Thương nhân kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục được thuê sử dụng kho nhưng quản lý chặt chẽ hơn. Trong đó bổ sung điều kiện về việc kết nối dữ liệu kho chứa xăng dầu, dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối với Bộ Công thương.
Việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình trong 24 tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực thi hành đối với thương nhân đã được cấp giấy phép; trường hợp mới được cấp phép phải thực hiện ngay việc kết nối dữ liệu.
Cũng theo dự thảo, quỹ bình ổn sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù cơ quan soạn thảo nhìn nhận việc vận hành quỹ phát sinh bất cập. Tuy nhiên, trên cơ sở Luật Giá, dự thảo đưa ra phương án là nghị định mới sẽ quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ.
Đối với hệ thống phân phối xăng dầu hiện đang tồn tại các loại hình gồm: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền.
Bộ Công thương dẫn ra một số ý kiến cho rằng thương nhân phân phối xăng dầu tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho thương nhân bán lẻ, đa dạng hóa hệ thống.
Tuy nhiên, việc mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối là từ các nguồn cung của thương nhân đầu mối, nên không phát sinh thêm nguồn cung.
Thêm nữa, quy định cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.
Vì vậy, dự thảo nghị định mới dù không loại bỏ loại hình này, nhưng sẽ có quy định chặt chẽ hơn là chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Đối với loại hình bán lẻ, hiện nay có đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền.
Theo đó, dự thảo mới quy định chung với loại hình này với ba hình thức: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu; hoặc mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.