Tháo gỡ rào cản để phát triển khu công nghiệp bền vững
Để đạt được yêu cầu của khu công nghiệp bền vững, còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề nguồn vốn, tài chính và làm rõ các định quy định pháp lý.
Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3, bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ cho biết việc xây dựng khu công nghiệp (KCN) bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tố Loan, quá trình phát triển còn có nhiều khó khăn về tài chính và còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.
“Trong Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái, khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể: Đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn. Nhưng quy định này không cụ thể thế nào là "sạch hơn", hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn". Trong khi để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan phân tích.
Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế đến từ quy định pháp luật về việc KCN có được thu hút các ngành nghề đó không? Và nếu thu hút, thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó.
Bà Loan chia sẻ một ví dụ khác nữa là về nước thải. Hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với hệ thống xử lý nước thải mới, với quyết tâm về việc giữ gìn môi trường, thì KCN đã xử lý nước thải cấp A, ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong khu công nghiệp, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc vận hành.
Bày tỏ ý kiến, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam cho biết, còn nhiều rào cản để thúc đẩy sự phát triển của KCN bền vững tại Việt Nam. Theo ông Long, đầu tiên là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc ô nhiễm nước thải và khí thải tại các KCN. Với vấn đề này chúng ta phải đầu tư vào công nghệ xử lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo vào các KCN, khu kinh tế (KKT).
Cùng với đó là thiếu hạ tầng. Giải pháp là phải đẩy mạnh hạ tầng giao thông và kỹ thuật cùng với việc tạo ra các chính sách hỗ trợ đầu tư vào các KCN ở những vùng và hạ tầng phát triển tốt.
Đặc biệt, vấn đề thiếu lao động chất lượng, đây là thực trạng mà một số KCN đang gặp phải và giải pháp là đầu tư vào đào tạo, tìm kiếm các nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu về nhân lực tại các KCN.
Bên cạnh đó là những thách thức về quản lý, vì quản lý KCN một cách hiệu quả cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Giải pháp theo ông Long đưa ra là tăng cường cơ chế quản lý và giám sát, thúc đẩy sự tham gia của các bên.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, giữa hiện thực và thể chế pháp lý luôn có một khoảng cách. Có nhiều điểm nghẽn pháp lý khiến cho sự phát triển KCN, KKT tại Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, những thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới “dừng lại” ở loại hình văn bản dưới luật.
Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, vấn đề quản lý, sử dụng đất cũng được coi là một trong những cản trở sự phát triển của KCN, KKT tại Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đề xuất, việc hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT là một trong những vấn đề quan trọng, nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT.
Cũng theo ông Tuyến, cần phải dựa trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2024, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, soạn thảo ban hành các quy định về phân khúc BĐS công nghiệp góp phần đưa hoạt động của phân khúc BĐS này đi vào nề nếp và thúc đẩy sự vận hành của phân khúc BĐS công nghiệp thông suốt, lành mạnh.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển KCN, KKT, đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN, KKT.
Theo ông Tuyến, cần phải xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng... Các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi; quy định bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế-xã hội, môi trường... nhằm phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT; trong đó tập trung vào các nội dung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT ở cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu.
Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, đã có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Phó Chủ tịch VCCI cho hay, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, những con số và phân tích trên đây đã cho thấy rằng sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.
Đồng thời cho biết trước thực tế này, VCCI đã đồng hành cùng các cơ quan, bộ, ngành liên quan xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016 - là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững cho chính các doanh nghiệp Việt Nam.