Xây dựng Đảng

Bản lĩnh thép của đồng chí Nguyễn Lương Bằng

TS. LÊ THỊ HIỀN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 30/03/2024 15:00

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904-2/4/2024), báo Hải Dương xin trích đăng tham luận của TS. Lê Thị Hiền tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

dc14.a-30x40-1-.jpg
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (người ngồi) chụp ảnh với ông bà chủ nhà ở phố Thạch Môn (Thượng Hải, Trung Quốc), nơi đồng chí sống và hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng giai đoạn 1930-1931 (ảnh tư liệu, chụp tháng 7/1964)

Nỗi khiếp sợ của kẻ thù

Dù phải đương đầu với những cuộc tra tấn dã man của quân thù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng không hề nao núng tinh thần, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Cái tên Sao Đỏ không chỉ là tấm gương sáng đối với những người cách mạng, mà còn là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Đầu tháng 5/1931, khi đang hoạt động cách mạng ở Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám phục bắt tại cơ quan. Ngay tối hôm ấy, chúng đã dùng mọi nhục hình tra tấn nhưng không khai thác được gì. Tháng 7/1931, mật thám Pháp áp giải đồng chí bằng tàu thủy từ Thượng Hải về Sài Gòn. Tháng 6/1932, đồng chí bị Tòa thực dân ở Hải Dương đưa ra xét xử, kết án phát lưu chung thân. Tháng 7/1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp áp giải trở lại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Chi bộ tín nhiệm cử vào Ban Chi ủy nhà tù. Đồng chí bàn với anh em là bằng bất kỳ giá nào cũng phải tìm cách vượt ngục và kêu ốm rồi xin ra điều trị ở Bệnh viện Phủ Doãn, từ đó sẽ trốn đi. Anh em nhất trí với kế hoạch này. Sau khi bày cách để các đồng chí khác ra nằm ở các bệnh viện, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tìm cách ra điều trị bằng cách giả tự tử. Ðồng chí lấy dao cứa da cổ, sau đó đứng lên diễn thuyết trước anh em trong khám. Máu ở cổ đồng chí chảy thấm đỏ cả cổ áo, rồi loang khắp người. Ðồng chí vừa nằm xuống, anh em tù liền la lên: "Sao Ðỏ chết rồi"! Bọn gác ngục phải đưa đồng chí ra Bệnh viện Phủ Doãn cấp cứu. Theo đúng kế hoạch đã được vạch ra, giữa đêm Nô-en ngày 25/12/1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng 6 đồng chí nữa đã vượt ngục thành công...

Cuối năm 1933, trong một chuyến đi công tác lên Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại bị địch bắt. Mật thám Pháp dùng đủ mọi cực hình dã man để tra tấn, song vẫn không khai thác được thông tin nào từ đồng chí. Chúng lại đưa đồng chí ra xử tại Tòa án Bắc Giang và kết án khổ sai chung thân.

z5285316980369_8e631d213e7880ab48b784cc9027f205.jpg
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí

Biến nhà tù thực dân thành trường cách mạng

Khoảng tháng 5/1935, các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng cùng 50 anh em tù khác ở nhà tù Hỏa Lò bị địch đày lên nhà tù Sơn La.

Vừa đặt chân tới nhà tù Sơn La, các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng... đã tổ chức ngay Hội Cứu tế người tù để tranh đấu đòi quyền lợi và bảo vệ đời sống cho tù nhân. Nhờ vậy, sức khỏe của tù nhân được cải thiện, tỷ lệ người chết có giảm so với trước. Ðến nhà tù Sơn La được 9 tháng, tên chánh sứ Xanh Pu-lốp ra lệnh xiềng đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số người tù khác có án nặng. Khi bọn lính đến bắt đồng chí ra đóng xiềng, đồng chí phản đối kịch liệt, không chịu đi. Tên giám ngục buộc phải ra điều kiện: một là xiềng hai chân, hai là nằm ở hầm cát-xô. Ðồng chí nhận xuống hầm cát-xô.

Ngay từ khi mới xuống hầm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chủ trương phải đấu tranh quyết liệt và có khi phải đổ máu thì kẻ thù mới chịu nhượng bộ. Được sự đồng ý của các bạn tù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng báo cho số anh em ở trên hầm biết để hưởng ứng. Sau khi chuẩn bị xong, đồng chí lấy máu viết lên tường các khẩu hiệu: “Ðả đảo chế độ hà khắc của nhà tù”, “Cách mạng thành công muôn năm". Chờ đến giờ ăn, đồng chí lại rạch lưỡi rồi ngậm máu nằm thẳng đơ. Tên lính gác mở cửa thấy đồng chí nằm sõng sượt, máu trào lênh láng, thấm đỏ cả áo, hoảng hốt đi báo giám ngục. Tên giám ngục vội vàng cho gọi bác sĩ vào. Bác sĩ là người có cảm tình với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chỉ khám qua loa rồi yêu cầu giám ngục cho lên khỏi hầm. Tên giám ngục đành phải đưa đồng chí đi nằm bệnh viện. Từ đó, chúng không dám xiềng hay giam xuống hầm những anh em có án nặng nữa...

Trong nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là chỗ dựa tinh thần cho các đồng chí khác. Đồng chí tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện, động viên mọi người cùng nhau vượt qua gian khổ. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí của mình đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng và học tập văn hóa, nâng cao lý luận, củng cố niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu. Những tháng năm học tập, rèn luyện trong nhà tù đế quốc là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Cuối năm 1943, Chi bộ Đảng trong nhà tù Sơn La tổ chức cho đồng chí vượt ngục, trở về tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng vùng an toàn khu ven Hà Nội. Đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công phụ trách công tác tài chính và binh vận của Đảng.

Suốt những năm tháng bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Đánh giá công lao của đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng như nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong ngục tù đế quốc trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định họ đã “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”.

TS. LÊ THỊ HIỀN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh