Việt Nam đặt mục tiêu giành 12-15 suất dự Olympic Paris 2024
Để khích lệ các vận động viên, Ủy ban Olympic Việt Nam đã công bố mức thưởng, cụ thể, huy chương vàng sẽ được thưởng 1 triệu USD, huy chương bạc 500.000 USD, huy chương đồng 200.000 USD.
Ngành thể dục thể thao đặt mục tiêu giành từ 12-15 suất tham tham dự Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 7 tới.
Ngoài 5 suất chính thức của các vận động viên Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào các nội dung cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, Taekwondo, bắn súng...
Ngành thể dục thể thao đang tạo điều kiện tốt nhất để các vận động viên tập luyện, tập huấn nâng cao thành tích để giành kết quả tốt nhất tại Olympic Paris 2024.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2024), Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt đã trả lời phỏng vấn về công tác chuẩn bị cho Olympic Paris 2024.
- Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Đây có được coi là động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngành thể thao trước ngưỡng cửa Olympic Paris không, thưa ông?
- Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị đã tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 của Bộ Chính trị, trong đó, đánh giá cao về sự phát triển của thể dục thể thao, cũng như một số chính sách liên quan cho vận động viên, người dân trong việc tập luyện thể dục thể thao.
Kết luận đánh giá, lĩnh vực thể dục thể thao vẫn chưa thực sự được quan tâm, mức đầu tư cho thể thao còn thấp. Qua đó, đặt ra yêu cầu về cải thiện các chính sách cho vận động viên liên quan đến các vấn đề như: đào tạo, y tế, nhà ở…
Đây là những dấu hiệu tích cực giúp triển khai các chiến lược; là thông tin khích lệ những người làm thể thao, các vận động viên có thêm động lực cống hiến cho Tổ quốc; đặc biệt trong giai đoạn trước mắt là Olympic Paris 2024.
- Thưa ông, cơ quan quản lý đã có chính sách động viên, hỗ trợ các vận động viên trong hành trình tìm kiếm suất dự Olympic lần này như thế nào?
- Để khích lệ các vận động viên, Ủy ban Olympic Việt Nam cùng các đối tác đã công bố mức thưởng cho mỗi tấm huy chương giành được tại Olympic.
Cụ thể, huy chương vàng sẽ được thưởng 1 triệu USD, huy chương bạc 500.000 USD, huy chương đồng 200.000 USD. Đây là động lực rất lớn ngành thể dục thể thao dành cho các vận động viên trên con đường chinh phục những tấm huy chương quý giá tại Olympic Paris 2024.
Năm 2024, ngoài Olympic Paris, thể thao Việt Nam còn có rất nhiều giải đấu ở cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Vì vậy, Ủy ban Olympic Việt Nam và Cục Thể dục thể thao phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cũng như các liên đoàn, hiệp hội, tìm kiếm nguồn lực về tài chính để đảm bảo cho các vận động viên có khả năng được đi tập huấn và thi đấu tất cả các giải đấu trên thế giới.
Cục Thể dục thể thao phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội treo thưởng cho các vận động viên, giúp các vận động viên nỗ lực hơn trong hành trình tìm kiếm suất tham dự Olympic.
Trong đó, môn boxing, nếu đạt suất, các vận động viên sẽ được thưởng 50 triệu đồng; Teakwondo được thưởng 100 triệu; bắn súng được thưởng 50 triệu…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự vòng loại Olympic Paris 2024.
Theo đó, 89 người, trong đó có 65 vận động viên các đội tuyển được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù 640.000 đồng/người/ngày khi tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh từ ngày 1/2/2024.
- Ngành thể dục thể thao đặt kỳ vọng những môn thể thao nào có khả năng cao giành vé tới Olympic, thưa ông?
- Ngành thể dục thể thao đặt kỳ vọng vào 14 môn thể thao các vận động viên có khả năng giành suất tham dự Olympic.
Trong đó, 3 môn cơ bản của Olympic (điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ), nhóm môn công suất (xe đạp, cử tạ, rowing, canoeing), các môn thể thao chính xác (bắn súng, bắn cung), ba môn võ (boxing, Judo, Teakwondo), hai môn đối kháng qua lưới (bóng bàn, cầu lông).
- Việc thể thao Việt Nam đặt mục tiêu thấp hơn tại Olympic lần này có phải do chúng ta đã lo ngại kết quả chưa được như ý muốn từ ASIAD 19 không, thưa ông ?
- Để đào tạo được một vận động viên đi thi đấu và đạt thành tích ở các đấu trường lớn như ASIAD, Olympic, ngoài năng khiếu, tài năng của các vận động viên còn cần một quá trình đào tạo khoa học, bài bản, quãng thời gian đầu tư này có thể lên tới hơn 10 năm.
Do đó, chỉ tiêu thành tích ở giai đoạn này chính là kết quả của quá trình đào tạo vận động viên cách đây hơn 10 năm. Tất cả chỉ tiêu thành tích đối với vận động viên trước mỗi giải đấu quan trọng đều dựa trên căn cứ khoa học, dựa trên đánh giá đối thủ, cũng như khả năng của các vận động viên để đưa ra những số liệu đó.
- Chúng ta đã rút ra những bài học nào cho hành trình đến với Olympic 2024, thưa ông?
- Năm 2023, Cục Thể dục thể thao đã tổ chức hội nghị "Nâng tầm ASIAD và khát vọng Olympic," trong đó có đưa ra các nội dung như: giải pháp cho những tồn tại, hạn chế của thể thao Việt Nam; giúp các vận động viên hướng tới đạt thành tích ở đấu trường ASIAD và Olympic…
Các vấn đề về thể chế, chính sách trong Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị đề ra và ngành thể dục thể thao đang từng bước xây dựng, hoàn thiện thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Vừa qua, Cục Thể dục thể thao phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Hưởng ứng Olympic Paris 2024" với sự tham dự, đóng góp tham luận của các chuyên gia về khoa học vận động, dinh dưỡng…, nhằm giúp các huấn luyện viên xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong huấn luyện, đào tạo cho các vận động viên trước thềm Olympic.
- Năm 2024 còn nhiều giải đấu quan trọng khác, theo ông đâu là giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thể thao nước ta để giúp thể thao Việt Nam thực sự vươn mình ra thế giới?
- Năm 2024, ngoài Olympic Paris, thể thao Việt Nam còn có rất nhiều giải đấu ở cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Ủy ban Olympic Việt Nam và Cục Thể dục thể thao đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các liên đoàn, hiệp hội, tìm kiếm nguồn lực về tài chính để đảm bảo cho các vận động viên có khả năng được đi tập huấn, thi đấu tất cả các giải đấu trên thế giới; giúp các vận động viên nâng cao kinh nghiệm, tích lũy điểm số cho các giải đấu trong tương lai.
Ngoài ra, vấn đề cơ sở vật chất tập luyện vẫn còn nhiều hạn chế ở các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, do vận động viên ở những môn thể thao trọng điểm rất cần những địa điểm tập huấn, thi đấu, cũng như đội ngũ khoa học, trang thiết bị tập luyện hiện đại để hỗ trợ cho công tác huấn luyện.
Ngành thể dục thể thao đã phối hợp chặt chẽ với các liên đoàn quốc tế, đặc biệt là các mối quan hệ với các nước, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu để đưa các vận động viên trọng điểm của chúng ta qua tập huấn, thi đấu, giúp các vận động viên có thể phá vỡ ngưỡng thành tích của mình, nhanh chóng đạt được thành tích ở kỳ Olympic sắp tới.
- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!