Người cha
Cuộc sống ngoài kia tất bật ngược xuôi nhưng khi bước qua cái bậu cửa nhà lão là mọi thứ trở nên yên ả.
Chiều muộn trời bất ngờ đổ mưa. Ban đầu còn lất phất sau sầm sập như người ta cầm chĩnh mà đổ trải rộng khắp cánh đồng. Gió điên cuồng quất rát rạt không gian. Hạt mưa đập vào người rát như phải bỏng. Đó chính là lúc lão Hạ chuẩn bị bước vào một buổi kiếm ăn. Cái vó lưới cầm sẵn trên tay, bên hông đeo thêm cái giỏ. Mái tóc nửa đen nửa bạc lòa xòa trên vầng trán chất chồng nếp nhăn. Lẽ ra ở cái tuổi như lão có thể lúc này sẽ được thảnh thơi nhâm nhi chén chè nóng thơm lừng trong căn phòng ấm áp. Nhưng với hoàn cảnh của lão thì không cho phép lấy một phút nào ngơi nghỉ. Đã hai chục năm rồi lão gồng gánh cái gia đình năm miệng ăn gồm ba đứa con, hai trai một gái, cùng bà vợ ốm đau quặt quẹo, dở sống dở chết. Có lúc quá bi quan, vợ lão nằm trên giường tự đấm ngực mình thùm thụp mà than: Trời ơi là trời! Trời đã bắt tôi khổ rồi lại còn bắt chồng, con tôi khổ theo đến bao giờ nữa? Giọng bà phút chốc nghẹn lại. Giá cứ như chục năm sau khi lấy nhau thì chồng bà đâu vất vả như hôm nay. Ngày ấy, gia đình bà tuy nghèo khó nhưng hạnh phúc viên mãn trong căn nhà đầy ắp tiếng nói cười. Bà đảm đang công việc đồng áng, chăm sóc con cái bên cạnh người chồng giỏi giang sông nước.
Vậy mà những ngày ấy chỉ thoảng qua được chục năm. Sau khi sinh đứa con gái út, đủ các thứ bệnh tấn công bà. Nó hành hạ bà đến gầy guộc tong teo héo quắt như một đứa trẻ. Chồng con hết lòng chăm sóc không kể đêm ngày. Bà tự hào rằng mình may mắn có một người chồng như lão Hạ. Đúng là cánh cửa này đóng lại lập tức sẽ có cánh cửa khác mở ra. Bà xem đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình. Nhìn những người đàn bà khác giúp chồng mà bà buồn đến phát khóc. Lão Hạ cầm tay vợ siết nhẹ động viên: “Bình tĩnh bình tĩnh. Mình đừng bị kích động quá mức, không tốt đâu. Ai chả có lúc ốm lúc đau. Toàn chuyện vặt như cơm bữa hằng ngày, có gì mà mình phải kêu. Tôi làm được. Việc của mình là yên tâm chữa bệnh cho khỏi. Lúc ấy chỉ lo mình không dư sức mà làm thôi”. Lão tin rồi sẽ đến lúc bệnh của vợ lão sẽ khỏi, ba đứa con lão sẽ lớn lên có nghề nghiệp đàng hoàng ổn định. Rồi chúng sẽ đỡ đần cho bố mẹ. Lão nuôi niềm hy vọng ấy trên khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi, trong giọng nói hồ hởi lạc quan.
Lão Hạ cất bước lao vào cơn mưa. Sấm chớp ùng oàng rền vang, không gian ẩm ướt lành lạnh. Lão hắt hơi liền mấy cái. Bàn chân đi đất dẫm trên đám cỏ ống nhọn và sắc làm lão hơi nhăn mặt. Nhưng không phải vì đau mà làm lão chùn bước. Vợ con lão đang trông chờ vào trận mưa tối nay.
Lão Hạ vốn ít chữ. Không phải do bố mẹ lão ngày xưa khó khăn không cho con đi học mà tự lão. Những cơn mưa, những dòng kênh ào ào nước chảy cùng lũ cá tôm bơi lội tung tăng đã hút hồn Hạ bất kể ngày hay đêm. Đến giờ đi học rồi mà Hạ vẫn còn đầm mình dưới ao hồ bắt cá. Mười lăm tuổi Hạ thông thuộc tính nết từng loại cá. Trong khi bè bạn cùng đi về tay không thì Hạ giỏ lớn giỏ bé. Người làng phải thốt lên: “Cứ thế này thì chẳng mấy mà làng này hết tôm cá”. Ông bố Hạ hết dỗ ngọt đến đòn roi mong con đi học nhưng không được. Hạ say mê con cá như dân nghiện ma túy. Chán quá, ông bố Hạ đành buông thõng một câu đầy bất lực: “Đất không chịu trời thì trời đành phải chịu đất. Sau này đừng có trách bố mẹ chẳng nhìn nhận đến con cái”. Từ đấy Hạ được tự do thỏa thuê cùng ý thích của mình. Ngày ấy cá mú ngoài kênh mương nhiều vô kể. Có ngày Hạ bắt được tới vài chục cân. Từ cá, mẹ Hạ bán lấy tiền. Có tiền, cha mẹ Hạ có thể làm được nhiều điều mình muốn. Nhất là những trận mưa to mùa hè, Hạ hể hả. Hạ thỏa sức vẫy vùng ngược xuôi như con cá gặp nước. Cứ như cả cánh đồng này, cả cơn mưa này là của riêng Hạ. Trong mưa, Hạ chưa bao giờ thấy nhàm chán.
Ba mươi tuổi Hạ lấy vợ. Chưa đầy năm năm vợ chồng Hạ sinh liền ba đứa con, hai trai, một gái là út. Thương vợ, thương con Hạ tự nguyện gánh vác trách nhiệm một cách âm thầm lặng lẽ, không than vãn, không chia sẻ với ai. Ngày qua ngày không ngừng nỗ lực phấn đấu để mang lại ấm no, an yên cho họ. Ngày lũ con Hạ còn bé, người vợ còn khỏe mạnh thì sáu sào ruộng khoán tùng tiệm nên chuyện ăn mặc không phải là điều đáng lo. Nhưng rồi các con lớn lên, người vợ nay ốm mai đau, dở sống dở chết đến mức nằm liệt một chỗ thì quả là điều đáng ngại. Trước khi lấy Hạ, chị cũng là một cô gái làng xinh gái, dáng cao, đen giòn, hiền lành chịu khó. Nhưng ông trời quả là trêu ngươi. Ngay cả cái kho trời tưởng như vô tận là cá tôm cũng không còn vô tận nữa. Bắt mãi rồi cũng phải hết. Sông ngòi hồ ao mỗi ngày một thu hẹp. Có cái mất hẳn. Cuộc sống khó khăn là điều hiển nhiên. Hạ phải đi xa hơn, đánh bắt được ít hơn. Nhớ cái hồi đứa con gái út bắt đầu vào lớp 1, Hạ cõng ra lớp. Đi nửa đường gặp trận mưa to. Không có áo mưa, hai bố con phải chạy trú vào mái hiên của nhà dân ven đường. Hạ nhìn mưa hắt bên nào là nhích người che chắn mưa bên ấy cho con khỏi ướt. Hạ cố gắng không để những hạt mưa to như hạt ngô quất xiên xiên chạm tới người con. Hạ ngẩng đầu nhìn trời như oán trách. Dưới ánh sáng vàng vọt từ ngôi nhà hắt ra Hạ thấy môi con gái thâm tím mà muốn khóc. Hạ hỏi như an ủi con: “Lạnh lắm hả con? Giá có tiền bố sẽ mua cho con một cái áo mưa”. Từng giọt nước lăn dài trên gò má sạm đen, Hạ đưa tay gạt nhanh. Chẳng rõ đó là nước mưa hay nước mắt của chính mình.
Hơn hai mươi năm trôi qua, anh Hạ ngày xưa, nay người làng gọi là lão Hạ để tôn trọng cái tuổi trời cho. Cuộc sống không dạy lão ngồi chờ đợi. Con cá con tôm cũng không nằm chờ lão đến bắt. Bàn chân lão phải bước nhanh hơn, đạp lên cỏ, lên bờ kênh nhiều hơn, xa hơn. Đồ nghề lão phải sắm nhiều hơn, đôi tay phải đưa nhanh hơn cùng kinh nghiệm hiểu biết về các loài thủy sinh mới mong bắt được nhiều tôm cá. Lão cứ đi một đoạn dài là dừng lại đặt vó, đặt lưới, thả thính. Hai chục phút sau lão quay lại nhấc lên. Cái vó lúc có lúc không. Tôm cá không to như ngày xưa, chỉ còn loại con con. Một con cua, vài con tép bé lão vơ tất cho vào giỏ. Không chỉ con người mới cần chất tanh mà con gà con vịt cũng rất cần. Cho chúng ăn đủ chất chúng sẽ mau lớn, mau cho thịt, mau cho tiền. Từ tiền sẽ ra sách vở áo quần cho các con. Hàng của lão luôn được mọi người ưa thích vì không có thuốc tăng trọng. Khoảng thời gian chờ đợi lão ngẫm về hôm nay và mai sau. Lão nhìn rất đơn giản và bao dung. Cuộc sống hôm nay khác xa ngày xưa lão từng học trong sách vở. Thì ra chẳng có gì là hoàn hảo. Chỉ là ta biết chấp nhận, biết dung hòa. Ngay cả những lúc khó khăn nhất nhưng hễ có ai cần sự giúp đỡ lão vẫn sẵn lòng. Xóm giềng có xích mích với nhau thì lão bảo: “Cuộc sống vốn đã phức tạp rồi đừng vẽ vời cho phức tạp thêm”.
Thời gian cứ thế lần lượt trôi qua. Lão là chỗ dựa, là niềm tin và hy vọng của các thành viên trong gia đình nhỏ bé này. Trong ngôi nhà nghèo khó là sự ấm áp của những trái tim đủ sức nung chảy cả những tảng băng dày nhất. Cuộc sống ngoài kia tất bật ngược xuôi nhưng khi bước qua cái bậu cửa nhà lão là mọi thứ trở nên yên ả. Lão dành cả đời phấn đấu mong sao những đứa con có tương lai tươi sáng. Nghĩ về tuổi trẻ của mình lão ân hận nuối tiếc. Giá như... giá như... Thời gian không thể quay ngược được. Lão kể cho con nghe chuyện học hành của mình ngày xưa bằng giọng buồn buồn và coi đó là tấm gương mờ gương xấu. Ngày thằng Cả vào cấp 3, lão bảo: “Giờ bố không còn đủ chữ để dạy con được nữa. Từ nay con tự học. Nếu có vấn đề gì thì hỏi thầy hỏi bạn. Bố chỉ có thể giúp con bằng vật chất và tinh thần thôi”. Vài ba người hàng xóm bảo lão: “Ối giời, đời cua cua máy đời cáy cáy đào. Lo cho chúng nó thì lo hết cả đời cũng chả xong”. Lão im lặng. Lão không thèm tranh luận với ý kiến gàn dở ấy. Lão không thể để các con thất học được. Nếu như chúng không được học hành thì tương lai của chúng khác gì mình bây giờ. Lão khen ngợi các con khi đạt điểm cao trong các kỳ thi, an ủi động viên khi chúng thất vọng vì kết quả không như ý. Lão có thể hào phóng chi tiền mua quyển sách quyển vở, giờ học thêm của các con nhưng lão lại tần ngần đắn đo khi mua một cái áo mới mặc Tết cho chính mình. Có thể nói niềm động viên cũng như tự hào của lão là ba đứa con rất ngoan và chịu khó học hành. Rồi cũng đến ngày trồng cây được hái quả. Anh Cả khoe: “Bố mẹ ơi con thi đỗ với điểm cao vào trường kiến trúc rồi”. Năm sau đến lượt anh Hai vui mừng báo tin: "Trường Đại học Bách khoa, ngành chế tạo máy đã gửi giấy gọi nhập học cho con lúc sáng nay bố mẹ ạ”. Hai năm sau đến lượt cô con gái út thỏ thẻ với mẹ: “Con đã đỗ vào đại học sư phạm với số điểm thi khá cao. Mẹ thưởng cho con gì nào?”. Mối lo lắng chuyện tương lai của các con như tảng đá lần lượt được nhấc khỏi vai lão. Nhìn vợ, nhìn các con, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt sạm đen của lão. Lão lao vào cơn mưa. Lần đầu tiên người làng thấy lão cười thành tiếng.
Ai cũng phải công nhận lão Hạ là người linh hoạt mạnh mẽ. Rất ít người ở tuổi ngoài năm mươi mà được như lão. Có người nói vui: “Làm nhiều đến khi hai năm mươi thì tiền nhiều để ai tiêu”. Lão cười cho qua chuyện: “Còn sức thì còn phải cố gắng”. Câu đó chỉ có người vợ tay kề má ấp của lão mới hiểu. Lão cố dành dụm xây cái nhà cho đàng hoàng, cho bằng anh bằng em. Ngày anh Cả thi tốt nghiệp ra trường và đi làm lĩnh tháng lương đầu tiên, anh Cả phấn khởi mua tặng một cái khăn quàng cổ nhân ngày sinh nhật của bố. Lão nhìn con trai khóe mắt cay cay, mỉm cười xúc động. Bất ngờ lão quàng cái khăn lên cổ vợ âu yếm nói: “Mình xứng đáng nhận quà tặng hơn tôi”. Anh Cả dang rộng vòng tay ôm cả bố cùng mẹ, nói trong nước mắt: “Con yêu bố mẹ. Cảm ơn bố mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng con nên người hữu ích hôm nay”.
Chiều muộn một cơn mưa bất chợt mang theo bao nhiêu nỗi nhớ. Tối sẫm thì mưa tạnh hẳn. Càng về đêm bầu trời càng sáng, càng cao. Tít đằng xa kia là thành phố với nhiều tòa nhà cao tầng, nhiều con đường dọc ngang như bàn cờ. Gió thoảng đưa tâm hồn lão qua những cánh đồng đang vào vụ. Gió đưa lão qua những con kênh, dòng sông của miền ký ức.