Tránh "bình mới rượu cũ" khi đổi tên tòa án 2 cấp tỉnh, huyện
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc đổi tên tòa án 2 cấp tỉnh, huyện có thể gây tình trạng "bình mới rượu cũ", phát sinh chi phí.
Ngày 26/3, trong chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 khóa XV, các đại biểu thảo luận các dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Đường bộ.
Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ ra một số điểm bất cập trong dự thảo, đề nghị không đổi tên Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh, huyện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng mặc dù tên gọi Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương và thuộc sự quản lý của Tòa án nhân dân tối cao. Công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương. Hệ thống này đang hoạt động ổn định, hiệu quả, thống nhất.
Đối với phương án đổi tên gọi của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hiện thành tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá về tổ chức bộ máy, cơ cấu trong tòa án vẫn không thay đổi.
"Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan, tôi cho rằng sự thay đổi này là không cần thiết. Việc đổi mới không tạo chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.
Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đóng góp nhiều ý kiến vào vào dự thảo Luật Đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi).