Giúp vận động viên Hải Dương đến với Olympic
Các môn thể thao mũi nhọn của Hải Dương cần tiếp tục được quan tâm đầu tư hơn nữa để có thêm các vận động viên đến với Olympic - đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.
Xác định sớm các môn mũi nhọn
Ngay từ năm 1985, những người tâm huyết với sự nghiệp thể thao Hải Dương đã tập trung đầu tư phát triển 5 môn thể thao mũi nhọn gồm: điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bắn súng, bóng chuyền mà trọng tâm là bóng chuyền nữ.
Tỉnh chọn tập trung đầu tư vào 5 môn nói trên vì đây đều là môn thể thao nhóm một, nằm trong chương trình thi đấu Olympic. Hơn nữa, đây cũng là 5 môn thể thao truyền thống của Hải Dương.
Về điền kinh lúc đó có vận động viên Hoàng Thị Chinh (phường Văn An, Chí Linh) vô địch toàn quốc 5 môn phối hợp (chạy, nhảy, bơi, bắn, võ). Phí Thị Thắm vô địch toàn quốc môn chạy marathon 42 km. Về bơi lội, kình ngư Nguyễn Văn Củ (Kim Thành) vô địch bơi Đông Dương. Vận động viên Nguyễn Chí Lập đoạt huy chương đồng tại Ganefo (châu Á) Indonesia năm 1963.
Về bóng bàn, Hải Dương có Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đức Long từng là những vận động viên vô địch toàn quốc, vô địch các giải thiếu niên, nhi đồng toàn miền Bắc. Bóng chuyền cũng phát triển rộng khắp trong nông thôn, cơ quan, nhà máy... Đội đại biểu bóng chuyền nữ Hải Dương 2 lần vô địch toàn quốc (1978, 1980). Môn bắn súng có xạ thủ Nguyễn Đức Uýnh tham gia Đại hội Olympic Moscow (Liên Xô) năm 1980 (môn súng ngắn bắn nhanh).
Có thể nói ở giai đoạn này, 5 môn thể thao mũi nhọn của Hải Dương đã đi đúng hướng, đúng chủ trương, chẳng những đóng góp nhiều vận động viên tiêu biểu cho đội tuyển quốc gia mà còn là niềm tự hào của cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Hưng khi đó, sau là tỉnh Hải Dương.
Cuối năm 1985, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn vận động viên Hải Dương tham gia có 16 vận động viên ở 4 trong tổng số 22 môn (đều là những môn trong nhóm một Olympic). Tuy tham gia ít môn, ít vận động viên song Hải Dương đã giành 12 huy chương các loại, trong đó có 1 huy chương vàng môn điền kinh, xếp thứ 10/47 tỉnh, thành phố, ngành. Tính đến nay, qua 9 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, Hải Dương chỉ có 1 lần nằm ngoài nhóm 10 tỉnh, thành phố, ngành có thành tích tốt nhất. Ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đoàn Hải Dương đứng thứ 11, kém đoàn xếp trên 1 huy chương vàng.
Với bề dày truyền thống đã được khẳng định qua các giải đấu trong nước và quốc tế, nhất là thứ hạng qua các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, nhưng đến nay thể thao Hải Dương vẫn có rất ít vận động viên bước đến đấu trường Olympic. Đây cũng là trăn trở của những người tâm huyết, có trách nhiệm với sự nghiệp thể thao Hải Dương.
Có đủ điều kiện để bước vào Olympic
Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần, mở rộng các môn thi đấu và dần từng bước hội nhập quốc tế. Thể thao thành tích cao Hải Dương đã phát triển thêm một số môn: bắn cung, đấu kiếm, cử tạ, lặn vòi hơi chân vịt, quần vợt, canoeing, rowing, bóng chuyền bãi biển, vật dân tộc, đua thuyền truyền thống, các môn phái võ pencak silat, judo, karate...
Đồng hành cùng 5 môn thể thao mũi nhọn trọng điểm của tỉnh, những môn thể thao mới tập trung đầu tư phát triển và đều lập thành tích xuất sắc qua các kỳ đại hội. Hai vận động viên bóng chuyền nữ: Nguyễn Thị Hường, Bùi Thu Hậu giành huy chương vàng bóng chuyền bãi biển năm 2000, được tuyển chọn tham gia bóng chuyền bãi biển quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc). Xạ thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ tham gia Olympic tại Tokyo (Nhật Bản). Nguyễn Thị Hựu, Đặng Thị Thắm môn đua thuyền rowing giành huy chương đồng Đại hội Thể thao châu Á năm 2010 tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc)...
Ngoài các môn thể thao trọng điểm của tỉnh, do chưa có điều kiện về kinh phí đầu tư xây dựng đội tuyển bóng đá chuyên nghiệp, Hải Dương tập trung phát triển bóng đá U11, U13.
Cho đến nay, cán bộ và nhân dân Hải Dương yêu mến thể thao thành tích cao không thể không tự hào về những vận động viên xuất sắc tham gia thế vận hội Olympic. Đó là xạ thủ Nguyễn Đức Uýnh môn súng ngắn bắn nhanh tại Thế vận hội Moscow 1980. Lực sĩ Nguyễn Thị Thiết môn cử tạ 2 lần dự Thế vận hội (năm 2004 tại Athena, Hy Lạp và năm 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc). Xạ thủ Trần Quốc Cường môn súng ngắn bắn chậm tham gia Thế vận hội Riode Janeiro, Brazil năm 2016; cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ tham gia Thế vận hội năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản.
Lớp lớp vận động viên Hải Dương chẳng những có tinh thần thượng võ cao thượng mà còn có đầy đủ năng khiếu, tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo, dẻo. Nếu được tập trung quan tâm, họ sẽ tiếp tục có những đóng góp cho quốc gia, quốc tế và hoàn toàn có thể đến với đấu trường Olympic.
Về thể thao thành tích cao, cần phát triển, phục hồi môn bóng chuyền bãi biển. Đây vừa là môn thể thao nhóm một (Olympic) lại rất phù hợp với du lịch cộng đồng. Đồng thời giảm nhẹ đầu tư kinh phí, bởi lẽ mỗi đội chỉ có 2 vận động viên tham gia thi đấu. Ở các môn Olympic khác, cần bố trí kinh phí, đặc biệt là xã hội hóa để có thể đưa vận động viên tiềm năng đi đào tạo ở nước ngoài hoặc các trung tâm thể thao lớn trong nước. Cần tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống, thu nhập của đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên nâng cao, giúp họ yên tâm tập luyện, cống hiến.