Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương được tổ chức với quy mô lớn
Sau vài năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương) năm nay sẽ được tổ chức quy mô cấp thị xã trong 3 ngày 13, 14 và 15/4.
Chiều 25/3, UBND thị xã Kinh Môn triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương tưởng niệm 320 năm ngày Thánh tổ Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn (1704 - 2024).
Sau vài năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ hội năm nay sẽ được tổ chức quy mô cấp thị xã trong 3 ngày 13, 14 và 15/4 (tức mùng 5, 6 và 7 tháng 3 năm Giáp Thìn).
Phần lễ sẽ phục dựng nghi lễ rước nước từ giếng cổ Nhẫm Dương về chùa để cúng Tổ; niệm Phật cầu gia bị; cung tuyên lược sử của Thánh Tổ Thuỷ Nguyệt; dâng hương tưởng niệm và nghi lễ cầu quốc thái dân an.
Phần hội gồm các hoạt động văn hoá dân gian đặc sắc như hát dân ca; trò chơi đập niêu đất, bắt trạch trong chum và giải cờ tướng mở rộng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của thị xã...
Đệ nhất Tổ sư phái Tào Động Thủy Nguyệt sinh năm 1637, quê ở đạo Sơn Nam, Thái Bình ngày nay. Sau nhiều năm xuất gia, ngài chu du ra nước ngoài học đạo, được ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và trở về nước truyền pháp. Thiền sư Thủy Nguyệt đi nhiều nơi như chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Sau Thiền sư về trụ trì chùa Nhẫm Dương.
Năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch tại động Thánh Hoá, sau chùa Nhẫm Dương. Hiện chùa còn lưu giữ ngôi bảo tháp chứa xá lị của ngài. Ngài được vua nhà Lê sắc phong làm Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc sư. Ngày hóa của ngài được lấy làm ngày mở lễ hội chùa Nhẫm Dương, diễn ra hằng năm từ mùng 5-7/3 âm lịch. Chùa Nhẫm Dương là chốn tổ của thiền phái Tào Động Việt Nam và cũng là “Bảo tàng khảo cổ học lớn nhất Việt Nam”.
Năm 2017, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Nhẫm Dương là 1 trong 20 điểm di tích trong thành phần hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hoá thế giới.