Kiến nghị thiết kế mẫu thẻ bảo hiểm y tế ghi hạn dùng
Thẻ bảo hiểm y tế không ghi thời hạn sử dụng khiến người dân không biết khi nào hết hạn để đóng tiếp, theo Ban Dân nguyện.
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2, Ban Dân nguyện dẫn phản ánh cử tri về việc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu mới không ghi thời hạn hết hiệu lực, khiến họ không biết khi nào hết hạn để đóng tiếp.
Trên mẫu thẻ hiện hành ngoài mã số còn chứa thông tin cơ bản người dùng như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm bắt đầu sử dụng và không có ngày hết hạn.
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét thiết kế lại mẫu thẻ BHYT để người tham gia có thể theo dõi hạn dùng tiện lợi, dễ dàng hơn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết mẫu thẻ không ghi hạn dùng được phát hành từ tháng 8/2017 đến nay đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với chuyển đổi số, được "hầu hết người tham gia hưởng ứng". Bởi mẫu thẻ không ghi hạn dùng giúp tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành, để người dân sử dụng lâu dài, đi khám chữa bệnh cần thẻ có ngay, không phải đợi làm thủ tục, chờ đổi thẻ hàng năm như trước.
Khi tham gia BHYT, thông tin người dùng gồm hạn sử dụng thẻ được ghi đầy đủ trong cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội. Biên lai thu tiền đóng mà cơ quan này cấp cho người dùng cũng thể hiện hạn sử dụng thẻ. 30 ngày trước khi thẻ hết hạn, cơ quan BHXH gửi danh sách người tham gia cho các đơn vị thu để thông báo người dân đóng tiếp.
Người dùng có thể tra cứu thông tin hạn dùng của thẻ bằng nhiều cách, như Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; ứng dụng VssID hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc tới cơ quan bảo hiểm xã hội, đại lý thu BHYT.
Người dân đi khám chữa bệnh BHYT hiện có thể dùng thẻ giấy, ảnh thẻ điện tử trên tài khoản VssID, VNEID, căn cước công dân gắn chip. Cuối năm 2023, cả nước có gần 93,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ trên 93% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số.