Những sáng tạo đỉnh cao của người La Mã khiến hậu thế kinh ngạc
La Mã có thể không phải là đế chế lớn nhất trong lịch sử cổ đại, nhưng chắc chắn là đế chế lâu đời và có sức ảnh hưởng nhất đối với nền văn minh nhân loại.
Dưới đây là những kiệt tác kiến trúc nổi tiếng vượt qua sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian và tiêu biểu cho trình độ phát triển đáng kinh ngạc của người La Mã cổ đại lúc bấy giờ, do Đài CNN giới thiệu.
Đấu trường La Mã
Đấu trường La Mã là một trong bảy kỳ quan thế giới mới và là địa điểm nhất định phải đến khi ghé thăm thủ đô Rome (Ý). Với sức chứa tối đa lên đến 80.000 chỗ ngồi, đây là đấu trường cổ lớn nhất thế giới từng được xây dựng.
Đấu trường La Mã được xây dựng từ năm 70 - 72 trước Công nguyên (TCN). Vào thời kỳ đỉnh cao, địa điểm này trở thành một trong những trung tâm giải trí chính, được người La Mã cổ đại vô cùng yêu thích.
Nổi tiếng với kiến trúc đặc trưng hình vòm bốn tầng, đấu trường cao gần 50m và được sử dụng để tổ chức các hoạt động thể thao, đấu vật, cùng các buổi biểu diễn kịch tích trong thời cổ đại.
Pompeii và Herculaneum
Pompeii và Herculaneum là hai thành phố La Mã cổ đại đã bị chôn vùi cách đây hơn 2.000 năm, sau vụ phun trào kéo dài hai ngày của núi lửa Vesuvius.
Câu chuyện về Pompeii và Herculaneum đã trở thành đề tài phổ biến cho rất nhiều bộ phim về thảm họa. Các nhà khảo cổ đã tìm được hơn 1.000 thi thể nạn nhân bị chôn vùi trong vụ phun trào khủng khiếp đó.
Mặc dù từng bị quên lãng hơn 1.000 năm, địa điểm này vẫn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, đồng thời đón hơn 2.500.000 du khách mỗi năm.
Pont du Gard
Pont du Gard là một cây cầu ba tầng nằm ở phía nam nước Pháp, thuộc tỉnh Vers-Pont-du-Gard. Cây cầu này có vai trò dẫn nước từ vùng Vzes ở phía bắc đến thành phố Nimes ở phía nam nước Pháp.
Địa danh này không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoành tráng, mà còn là kiệt tác đáng kinh ngạc về sự tỉ mỉ và kỹ thuật xây dựng đỉnh cao của người La Mã cổ đại.
Với kiến trúc hình vòm đặc trưng của La Mã, những phiến đá tạo thành Pont du Gard được cắt chính xác đến mức thậm chí không cần sử dụng vữa để gắn kết chúng lại với nhau.
Leptis Magna
Leptis Magna nằm ở Libya và chắc chắn là cái tên hàng đầu trong danh sách những kiến trúc La Mã ấn tượng nhất. Đây là thành phố quan trọng nhất của La Mã nằm ở châu Phi.
Thành phố cổ đại ít người biết đến này từng vô cùng thịnh vượng nhờ vào các hoạt động giao thương với châu Phi, tuy nhiên Leptis Magna dần bị cát sa mạc nhấn chìm sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã.
Du khách có thể tham quan những di tích còn sót lại như các công trình kiến trúc hình cột đặc trưng, dãy nhà hình vòm và các tác phẩm điêu khắc.
Pantheon
Đền Pantheon được xây dựng vào năm 27 TCN, là niềm tự hào của người La Mã cổ đại. Ngôi đền này nổi tiếng với kiến trúc mái vòm hình tròn tuyệt đẹp. Đây là công trình có mái vòm bê tông không cốt thép lớn nhất thế giới từng được xây dựng từ hơn 2.000 năm trước đến nay.
Theo các chuyên gia, hai yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên giá trị trường tồn cho công trình này là chất lượng tuyệt vời của vữa xây dựng và việc lựa chọn cẩn thận các loại vật liệu thi công.
Từ đá bazan nặng ở nền móng, gạch và đá vôi để xây các bức tường, đến lớp đá bọt nhẹ nhất ở phía trung tâm của mái vòm đều thể hiện trình độ chuyên môn cực cao của người xây dựng.
Đồi Palatine
Rome được mệnh danh là "Thành phố của bảy ngọn đồi", nhưng chỉ có một ngọn đồi duy nhất đóng vai trò quan trọng đó là đồi Palatine.
Đồi Palatine có nguồn gốc từ thời tiền sử. Tương truyền rằng đây là nơi khởi nguồn của Đế chế La Mã vĩ đại. Ngọn đồi này còn là địa điểm tâm linh quan trọng dưới thời hoàng đế Augustus nắm quyền (năm 27 TCN).
Đồi Palatine trưng bày rất nhiều bức bích họa còn sót lại từ thời hoàng đế Augustus và hoàng hậu Livia - những tác phẩm nghệ thuật cổ đại đẹp nhất và được bảo tồn tốt nhất tại thủ đô Rome.
Porta Nigra
Cổng thành cổ Porta Nigra được biết đến là địa điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố Trier, Đức. Công trình này được ví như một đài tưởng niệm sống động ghi lại dấu ấn của nền văn minh La Mã cổ đại.
Xuyên suốt lịch sử của La Mã cổ đại, Đức là biên giới cuối cùng mà chỉ những hoàng đế dũng cảm nhất mới dám đặt chân tới. Điều này khiến Porta Nigra mang dấu ấn lịch sử vô cùng đặc biệt.
Theo tư liệu lịch sử, Porta Nigra được xây dựng từ đá sa thạch xám, nổi bật với thiết kế hai tòa tháp đôi song song với nhau. Với quy mô và độ phức tạp cao, Porta Nigra được UNESCO công nhận là di sản thế giới và trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ với những ai yêu thích lịch sử của Đế chế La Mã.
Aphrodisias
Di tích cổ đại này được đặt theo tên của Aphrodite - nữ thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Nằm ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc thung lũng thượng lưu sông Morsynus, đền Aphrodisias là di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2017.
Những di tích trong đền được bảo tồn cực kỳ tốt, bao gồm các cột đá cao đặc trưng của kiến trúc La Mã, một rạp hát hình bán nguyệt và những khu vực xây bằng đá cẩm thạch dành cho các cuộc họp chính trị quan trọng.
Theo các chuyên gia, đền Aphrodisias đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc điêu khắc La Mã. Hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, đền Aphrodisias là nơi tốt nhất để tìm hiểu về các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch thời La Mã cổ đại.
Nhà tắm Caracalla
Nhà tắm Caracalla là ví dụ điển hình nhất về nhà tắm La Mã, đồng thời là một trong những khu phức hợp nước nóng lớn nhất thời cổ đại khi xây dựng từ khoảng 5 triệu tấn đá.
Trong quá khứ, nhà tắm công cộng này từng phục vụ hơn 8.000 người mỗi ngày trong ba thế kỷ liền. Mặc dù chỉ còn lại những vết tích cổ xưa nhuốm màu quá khứ, nhà tắm Caracalla vẫn là một địa điểm ấn tượng và gắn liền với lịch sử ngàn năm của thủ đô Rome.