Có nên đưa cha mẹ đến sống cùng ở chung cư?
Đối với người cao tuổi, ngôi nhà không chỉ là chốn an cư mà còn là nơi để sống khỏe, sống vui cùng con cháu. Tuy vậy, liệu ông bà có thoải mái, vui vẻ khi sống cùng con ở chung cư?
Nên để ông bà được lựa chọn môi trường sống hay sắp xếp và thuyết phục cha mẹ đến chung cư cùng mình?
Ở chung cư vì con cháu
Vì muốn ở gần con cháu, vợ chồng bác Hữu Tâm (65 tuổi) đã mua một căn hộ chung cư ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh) bằng số tiền bán căn nhà ở Lâm Đồng. Bác nói: "Khi biết điều này, nhiều người đã khuyên lơn, thậm chí là ngăn cản tôi. Nhưng với tôi thì đây là quyết định đúng đắn. Các con có cần gì là vợ chồng tôi luôn sẵn lòng. Mỗi ngày chúng tôi đưa đón hai cháu đi học, chiều về lo cơm nước".
Cũng theo bác Tâm, mỗi lần đi khám bệnh cũng khá gần, hai bác có thể tự đón xe đi về chỉ trong một buổi, không ảnh hưởng đến công việc của các con. Ở đây còn có các nhóm người cao tuổi với nhiều hoạt động như cùng tập thể thao, văn nghệ, tham gia công tác khu phố rất vui. Nhưng thực tế không phải chung cư nào cũng có không gian và các hoạt động dành cho người cao tuổi.
Cô Thanh Hiền (68 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho rằng cô đã sai lầm khi chọn chung cư để sống. Cách đây 10 năm, cô bán căn nhà cùng hai công đất vườn ở Vĩnh Long lên thành phố mua nhà chung cư sống cùng cậu con trai một.
Niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu, cô đã hụt hẫng vì không thể thích nghi với nơi ở mới.
Cô kể: "Hàng xóm sát vách nhau mà mấy tháng trời cũng chưa chào nhau. Lâu lâu đi bỏ rác hoặc xuống siêu thị mua đồ mà quên mang cái thẻ từ thì coi như gặp sự cố vì hay quên mã số, mở bằng vân tay lúc được lúc không... Lại phải làm phiền ban quản lý mở giúp, họ lại yêu cầu con phải xác nhận".
Không ít lần cô định quay về quê sống nhưng nhà cửa còn đâu mà về. Cậu con trai đã ngoài 30 vẫn chưa lập gia đình nên căn hộ lúc nào cũng vắng lặng. Cả ngày chỉ một mình cô thui thủi trong bốn bức tường vì không dám đi đâu xa, sợ gây phiền phức.
Làm sao ổn thỏa?
Cách đây vài tuần, nơi chung cư tôi đang sống có một bác lớn tuổi vừa bước ra khỏi thang máy thì đột quỵ. Mọi người đưa bác đi bệnh viện kịp thời. Sau đó, trong nhóm chat của cư dân, mọi người cũng nhắc nhau hộ nào có người lớn tuổi ở nhà một mình cần báo với ban quản lý, cư dân để còn để mắt lưu tâm.
Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng nhìn chung số người cao tuổi sống ở chung cư hiện nay có xu hướng tăng. Họ là những người già "ra riêng" sau khi bán nhà chia tiền cho các con, là những người nghỉ hưu, những người tái định cư sau khi nơi ở cũ thuộc các dự án bị giải tỏa. Và có cả những người rời quê vào đây để trông cháu, giúp con...
Hầu hết các bác có sự chuẩn bị tinh thần để thích nghi với môi trường sống ở chung cư. Nhưng có không ít những bất tiện phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày khiến người già ngại bước chân ra khỏi bốn bức tường căn hộ.
Vài bạn bè tôi bàn luận nhau chuyện có nên đưa ba mẹ đến ở chung cư không? Người về hưu gần như cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không như người trẻ dành phần lớn thời gian cho công việc và các mối quan hệ xã hội.
Diện tích nhà chung cư có hạn nhưng vẫn có thể thu xếp được cho dù ở độ tuổi nào. Đến một lúc người cao tuổi không cần không gian quá rộng rãi, ông bà cần môi trường yên tĩnh, an ninh bảo đảm, tiện ích đa dạng và đặc biệt là gần các dịch vụ y tế.
Mỗi người mỗi cảnh, mỗi lựa chọn nhưng điều cần thiết là ý kiến và đời sống tinh thần của người cao tuổi lại bị "bỏ quên". Lý do chính khiến hầu hết những người già chọn nhà mặt đất thay vì chung cư cao tầng là có thể sử dụng được nhiều không gian nơi mình sống. Tôi nghĩ nên để cha mẹ được lựa chọn nơi mình an dưỡng tuổi già.
Đừng để cha mẹ cô đơn trong chính ngôi nhà của con cái mình. Còn bạn nghĩ sao?
Thương con cháu lắm nhưng mẹ tôi không ở chung cư
Anh chị sống ở chung cư. Khi chị tôi sinh con, mẹ tôi ở quê lên phụ chăm cháu. Căn hộ 60m2, mở cửa ra gặp những cánh cửa nhà hàng xóm luôn đóng kín. Ai cũng đi suốt ngày, gặp nhau trong thang máy cũng ít chào hỏi nhau vì ai cũng bận với chiếc điện thoại. Mẹ tôi ngày càng trầm lặng, ít nói...
Khi em bé biết đi, anh chị cho bé đi trường mầm non sớm, mẹ tôi thu dọn về quê dù anh chị tha thiết mong mẹ ở lại.
Giờ đến lượt tôi có con. Mẹ khăn gói đi nuôi cháu nhưng coi bộ tâm trạng nặng nề không vui dù bà cố tỏ ra bình thường. Mẹ tôi hơn 65 tuổi, còn khỏe mạnh, ở quê luôn tay trồng rau nuôi gà, ra vào vui vẻ với hàng xóm. Trong khi cuộc sống ở chung cư của tôi bây giờ nhiều thứ "số hóa" hơn khi mẹ tôi đi nuôi đứa cháu đầu.
Càng nhiều tuổi, mẹ càng lúng túng với các quy định ở chung cư, nhiều lần bối rối với các sự cố điện, nước khi ở nhà một mình... Mẹ thường ngó ra ban công nghĩ xa xăm. Tôi hiểu, tận trong lòng mẹ trông tới ngày về quê trồng rau...
Điều dễ thấy nhất là nếu ở lại với chúng tôi, mẹ chỉ còn cách nói chuyện qua điện thoại với bà con ở quê. Khách ở quê cũng ngại ghé đến căn hộ chung cư thành phố, nếu mẹ tôi không về cũng chẳng thể gặp lại nhau. Mẹ về nhà quê, một mình. Nhưng chị em tôi không thể đón mẹ lên ở cùng vì biết rằng mẹ rất không thoải mái.
Mẹ tôi nhớ thương các cháu lắm, có món gì cũng tìm cách gửi lên. Nghỉ hè, nghỉ Tết chúng tôi đưa con về quê, mẹ tôi một tay lo chu tất, vào ra nói cười vui phải biết. Và mẹ lại lắc đầu khi chúng tôi mời mẹ lên sống cùng: "Tuổi càng già không nên ở chung cư, người quen sống ở quê càng không nên...".
Xung quanh tôi vẫn có nhiều ông bà sống cùng con cháu ở chung cư. Các bà quen nhau ở chỗ cầu tuột các cháu cùng chơi, cùng nói chuyện chăm cháu, vài cô rủ nhau đi bộ thể dục khi rảnh rỗi.
Nhưng đây là số ít. Không gian và cuộc sống ở chung cư khiến ai ở nhà nấy, không tiện ghé qua chào hỏi nói gì đến chuyện ngồi lại với dăm ba câu chuyện tuổi già. Đây là điều không phải người già nào cũng dễ dàng thích nghi.