"Làn gió tươi mới" trong hoạt động HĐND đã có phạm vi rộng hơn và tác động lan tỏa hơn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, "làn gió tươi mới” trong tổ chức, hoạt động của HĐND đã có phạm vi rộng hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm trước.
Chiều 25/3, tại Hà Nội, sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã thành công tốt đẹp.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau một ngày làm việc, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội cho biết tại hội nghị đã có báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết công tác HĐND năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, nghe ý kiến phát biểu chào mừng của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và 18 ý kiến phát biểu tham luận sôi nổi đến từ đại diện HĐND các tỉnh/thành phố, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND.
Ghi nhận các ý kiến phong phú, xác đáng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sau hội nghị các HĐND có thể học tập được nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị cũng là gợi ý rất tốt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan và cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại hội nghị lần này nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan ở trung ương và địa phương. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện các cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành và đại biểu đến từ 63 tỉnh/thành phố. Đã có 48 Chủ tịch HĐND các tỉnh/thành phố tham dự hội nghị và 600 đại biểu.
Nêu rõ, sau thành công của Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 (Hội nghị lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV) và thực hiện kết luận của Hội nghị về việc tổ chức thường niên Hội nghị này, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nói chung và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương (Hội đồng nhân dân các cấp). Điều này cũng thực hiện chức trách nhiệm vụ mà Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan được giao hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban Công tác đại biểu tổng hợp các ý kiến phát biểu tại hội nghị, cùng với các báo cáo, tham luận đã có để xây dựng báo cáo toàn văn và có kỉ yếu hội nghị gửi đến các đại biểu.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điểm lại những kết quả của hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua xem xét báo cáo, thảo luận tại hội nghị cho thấy năm 2023 có thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo nhưng đất nước đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong thành tích chung đó có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương. Đây là điều được khẳng định tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nếu như tại Hội nghị năm 2022 đã nhận định: Có làn gió tươi mới trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương thì đến Hội nghị lần này càng khẳng định nhận định trên là đúng và cho thấy “làn gió tươi mới” đó đã có phạm vi rộng hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm trước, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khối lượng công tác Hội đồng nhân dân năm qua là rất lớn. HĐND các tỉnh thành đã tổ chức 357 kỳ họp, trung bình mỗi tỉnh tổ chức 5,6 kỳ họp/năm; trong đó có nhiều kì họp chuyên đề và kì họp bất thường. Với số lượng lớn các kì họp được tổ chức thì số lượng nghị quyết được ban hành cũng ở mức kỉ lục với 6377 nghị quyết, trong đó có 1681 nghị quyết có chưa quy phạm pháp luật. Cho thấy công tác lập pháp, lập quy của Hội đồng nhân dân là rất lớn.
Về giám sát, có đến 1.322 đoàn giám sát ở 63 tỉnh/thành, qua đó phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập. Năm 2023 cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ở cấp tỉnh và cấp huyện.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ và biểu dương các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa, Nam Định, Hưng Yên…Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tiễn đã chứng minh những nơi mà HĐND hoạt động tích cực và hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, cấp ủy và sự chung tay của chính quyền địa phương thì đều có sự phát triển, có tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách đạt khá. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử. Cùng với đó các tỉnh dân số đông như Thanh Hóa, Nghệ An đang vươn lên mạnh mẽ. Các tỉnh đều có nhiều nỗ lực cố gắng. Làn gió tươi mới lan tỏa ở các tỉnh thành với nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Đồng thời, HĐND đã bám sát quy định của pháp luật, thực hiện toàn diện các chức năng từ công tác lập pháp lập quy đến giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng, lấy phiếu tín nhiệm và các công tác khác như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đối ngoại.
Trong lập pháp, lập quy, các địa phương tích cực triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đặc biệt là các nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù. Công tác giám sát, chất vấn có nhiều đổi mới, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15. Trong đó có Hà Nội và Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp. Công tác giám sát tại hiện trường, tại giám sát được quan tâm. Lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc.
Đổi mới nhiều hoạt động trong đó kì họp HĐND cấp tỉnh có nhiểu khởi sắc. Đổi mới hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân. Hoạt động của các Ban của HĐND được tăng cường nhiều hơn. Vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân được quan trọng. Qua đó cho thấy những đổi mới là rõ nét và toàn diện và có nhiều mô hình mới, cách làm hay. Công tác tiếp công dân giải quyết kiến nghị cử tri được coi trọng và thực hện tốt hơn. Số lượng vấn đề nhiều hơn, tỉ lệ giải quyết tốt hơn. Các hoạt động đều nhằm kiến tạo phát triển, thể hiện tinh thần trách nhiệm và cộng đồng trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, công tác thông tin truyền thông được chú trọng. Dẫn chứng một số chương trình hay của một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là kinh nghiệm tốt, là những mô hình có thể nghiên cứu học tập, chia sẻ lẫn nhau giữa các Hội đồng nhân dân và Quốc hội cũng cần tham khảo để tăng cường thêm.
Bên cạnh đó còn có những tồn tại hạn chế trong đó có phần trách nhiệm của Hội đồng nhân dân đã được nhìn nhận, chỉ ra tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguyên nhân của những kết quả trên là do Hội đồng nhân dân các cấp đã bám sát tinh thần chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều hướng dẫn được ban hành kịp thời, nhiều thắc mắc của địa phương cũng được trao đổi, trả lời, làm rõ. Cùng với đó là sự tìm tòi đổi mới của chính lãnh đạo chủ chốt, của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu. Công tác phối hợp chặt chẽ, sát sao giữa chính quyền và Hội đồng nhân dân, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau từ sớm từ xa, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở trung ương.
Với tinh thần chung là vượt khó để vươn lên, bày tỏ đồng tình với các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đề nghị Hội đồng nhân dân tiếp tục bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiều hơn nữa.
Tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử ở địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2024. Trong đó, tập trung rà sát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, tháo gỡ vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực. Căn cứ các luật, nghị quyết được ban hành đề có kế hoạch triển khai sâu sát đối với dự án Luật nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Tài nguyên nước…và các nghị quyết về chính sách đặc thù, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều nhiệm vụ được giao cho chính quyền địa phương…Tiến hành tổng rà soát thủ tục hành chính; rà soát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công của nhiệm kỳ sau; tăng tốc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kì.
Đổi mới toàn diện các hoạt động của HĐND bao gồm đổi mới kì họp Hội đồng nhân dân là quan trọng nhất; tiếp tục tăng cường chất lượng kì họp Hội đồng nhân dân, trọng tâm kì họp Hội đồng nhân dân cập huyện, chú trọng kì họp Hội đồng nhân dân cấp xã; quan tâm phát động phong trào thi đua, khen thưởng.
Nhấn mạnh chất lượng của đại biểu quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm động viên khích lệ hoạt động các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tăng cường công tác dân nguyện tại địa phương, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tổ cáo, đổi mới tiếp xúc cử tri.
Quan tâm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đề nghị các cấp quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; giới thiệu nhân sự để tiến tới Đại hội Đảng các cấp.
Tăng cường các hoạt động kỉ niệm 80 năm thành lập nước, 85 năm ngày truyền thống HĐND, 80 năm ngày Tổng tuyển cử Quốc hội.
Đề nghị HĐND đóng góp tích cực xây dựng chính sách và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quy chế mẫu của Hội đồng nhân dân; công tác rà soát Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về các kiến nghị đề xuất của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết năm 2022 ghi nhận các kiến nghị đề xuất đến nay đã thực hiện và giải quyết 44/60 các kiến nghị, đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Đối với các kiến nghị tại Hội nghị năm nay, Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu là đầu mối tổng hợp đầy đủ các ý kiến kiến nghị, đề xuất các địa phương đã nêu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có chỉ đạo xem xét giải quyết nghiêm túc.
Năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ thường kỳ và đột xuất theo sự phân công, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phối hợp UBND tỉnh tổ chức thành công 6 kỳ họp và xem xét thông qua 85 nghị quyết bảo đảm kịp thời, chất lượng; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh Hải Dương triển khai bảo đảm theo đúng kế hoạch. Nội dung giám sát thiết thực, được nhân dân quan tâm theo dõi, đánh giá cao. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng. Hoạt động tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh được duy trì thường xuyên đều đặn, nề nếp. Việc giải quyết các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời và trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi giúp UBND tỉnh nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.