Cả nước tiết kiệm gần 1 tỷ đồng sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2024
Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 23/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).
Tối ngày 23/3, để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới cùng với 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30.
Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Bộ Công Thương đồng chủ trì đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân. Năm 2024 cũng là lần thứ 16 Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình.
Tại Hà Nội, đúng 20 giờ 30, nghi thức tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 đã chính thức diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các địa danh nổi tiếng của Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; Nhà Hát lớn Hà Nội, Hồ Trúc Bạch… đồng loạt tắt đèn. Nhiều khu phố Hà Nội gần như chìm trong bóng tối.
Qua số liệu về mức tiêu thụ điện toàn quốc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết: Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 23/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).
Chiến dịch Giờ Trái đất đã ngày càng lan tỏa rộng rãi trên cả nước và trở thành một hoạt động thường niên về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường vào tháng 3 hàng năm. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Giờ Trái đất được kỳ vọng tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Với hiệu ứng và sức lan tỏa trên khắp cả nước, Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cộng đồng mà còn góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.
Sau 16 năm tích cực hưởng ứng tham gia, chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi trên cả nước và trở thành hoạt động thường niên rất có ý nghĩa vào tháng 3 hàng năm. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đến nay chiến dịch Giờ Trái đất đã góp phần quan trọng biến nhận thức của mỗi cá nhân thành hành động cụ thể trong việc thực hành tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.