Gỡ vướng để đấu giá các khu đất đã thu hồi của doanh nghiệp. Bài 2- Vì sao thu hồi rồi phải để đấy?
Việc nhiều khu đất sau khi UBND tỉnh Hải Dương thu hồi rồi phải để đấy, chưa được đưa vào sử dụng do nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do nhiều vướng mắc, còn có nguyên nhân chủ quan do cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thực sự tích cực vào cuộc, tham mưu quyết liệt trong quá trình xử lý.
Nhiều vướng mắc
Theo quy định, một trong những điều kiện để các khu đất đã được thu hồi có thể đưa vào sử dụng hoặc đấu giá là phải bảo đảm điều kiện có mặt bằng sạch, phù hợp các quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch khác có liên quan. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các khu đất tỉnh thu hồi của doanh nghiệp có vướng mắc về quy hoạch và tài sản trên đất.
Liên quan đến khu đất thu hồi của Công ty CP Viglacera Từ Sơn tại phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), qua quá trình làm việc, rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, trên khu đất có nhiều dây chuyền, máy móc, thiết bị, nhà xưởng còn giá trị sử dụng. Công ty đề nghị được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di chuyển, chi phí đầu tư vào đất còn lại. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định không có cơ sở pháp lý để giải quyết đề nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Hải Dương chủ trì yêu cầu Công ty CP Viglacera Từ Sơn di chuyển tài sản ra khỏi khu đất thu hồi, trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế di dời tài sản để có mặt bằng sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Còn theo UBND thị xã Kinh Môn, trên khu đất thu hồi của Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch tại phường Tân Dân (Kinh Môn)còn 24 nhà cấp 4, chất liệu bằng gỗ thông Na Uy, 1 nhà bảo vệ và lán xe, bể xử lý nước, bể bơi. Năm 2018 và 2019, toàn bộ tài sản trên đất được Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch bán cho Công ty TNHH Thương mại Thiên Phú và Công ty TNHH Hoàng Phú. Hiện nay, các đơn vị mua lại tài sản chưa di dời tài sản trên đất để trả lại mặt bằng sạch. Ngoài ra, trong tổng diện tích hiện trạng khu đất đã thu hồi có hơn 1.400 m2 của 6 gia đình, cá nhân đang sử dụng, trong đó 5 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, 1 hộ lấn chiếm để ở. Một số công trình vi phạm trên đất của các hộ, cá nhân cũng chưa được xử lý dứt điểm. Cùng với đó, loại đất đã thu hồi theo quy hoạch sử dụng đất hiện nay chưa có sự đồng nhất dẫn đến khó khăn trong công tác tham mưu đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại diện lãnh đạo huyện Ninh Giang thông tin, khu đất tỉnh đã thu hồi của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương từ năm 2016 tại thị trấn Ninh Giang rộng khoảng 250 m2 nhưng đến nay chưa có phương án xử lý. Vị trí khu đất nằm phía ngoài đê tiếp giáp với bờ sông Luộc, thực tế không còn đường đi lại. Doanh nghiệp cũng đề nghị được hoàn trả giá trị tài sản còn lại trên đất. Về loại đất thu hồi, hiện nay giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch vùng của huyện chưa đồng nhất. Cụ thể, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn giữ nguyên là đất sản xuất phi nông nghiệp, còn theo quy hoạch vùng thì khu đất thu hồi được xác định là đất thương mại dịch vụ…
Xốc lại
Cùng với những vướng mắc do nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, thực tế nhiều năm trước có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc để phối hợp đề xuất giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, công tác tham mưu đấu giá mới chỉ dừng lại ở một số khu. Chỉ đến khi lãnh đạo UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo thì việc triển khai mới có những chuyển biến cụ thể.
Những năm gần đây, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất thu hồi trên địa bàn tỉnh như văn bản số 4309/UBND-VP ngày 22/11/2021, văn bản số 1892/UBND-VP ngày 2/6/2023, văn bản 2891/UBND-VP ngày 7/8/2023… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và tham mưu đề xuất để đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất thu hồi trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất chậm.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai nhiều giải pháp. Sở đã chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, UBND cấp huyện, nơi có quỹ đất mà UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để khảo sát, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc đối với từng khu đất. Trên cơ sở đó, phân loại từng vướng mắc để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp theo hướng ưu tiên giải pháp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đầu tháng 11/2023, Sở Tài chính đã tổ chức khảo sát thực địa tại một số doanh nghiệp và làm việc với các sở, ngành, địa phương để rà soát các khu đất thu hồi có vướng mắc về tài sản, xác định giá trị còn lại của tài sản để hoàn trả lại cho doanh nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà không được bồi thường. Kết quả rà soát cho thấy, trong số 12 khu đất thu hồi có tài sản trên đất, có 3 khu đất thu hồi của Công ty CP Vinafood I Hải Dương và 1 khu đất của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương tại huyện Ninh Giang có cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hoàn trả giá trị còn lại của tài sản cho doanh nghiệp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 11/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất đang quản lý 26 khu đất phi nông nghiệp với tổng diện tích hơn 22,1 ha. Trong đó có 7 khu đất đang triển khai các công việc phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, 13 khu đất có thể đấu giá nhưng vẫn còn vướng mắc về quy hoạch, tài sản trên đất hoặc các vướng mắc khác và 6 khu đất không đủ điều kiện tham mưu đấu giá. Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ cụ thể.
Kỳ sau: Để đất hoang hoá “vàng”